ClockChủ Nhật, 12/05/2024 15:39

Thanh sắc Cố đô

TTH - Yêu những âm sắc thanh thoát nhẹ nhàng mà sâu lắng của giọng nói xứ Kinh kỳ, một nhóm sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Huế đã thực hiện dự án sách nói hoàn toàn bằng giọng Huế. “Thanh sắc Cố đô” chính là món quà mà những bạn trẻ này muốn dành tặng các em khiếm thị tại địa phương cũng như khắp mọi miền đất nước.

Hỗ trợ sinh viên từ mô hình câu lạc bộ khởi nghiệpCân bằng giữa học tập và rèn luyện kỹ năng

Các bạn nhỏ hào hứng tham gia trải nghiệm, giao lưu với các thành viên của dự án “Thanh sắc Cố đô” 

Nhiều lần đến Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù (181/1 Phan Bội Châu, phường Trường An, TP. Huế) thăm các các em nhỏ khiếm thị, đồng cảm với những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu, Lê Thị Thu (quê Quảng Nam, sinh viên năm 2, Khoa Quốc tế, Đại học Huế) luôn ấp ủ sẽ làm đều gì đó thật ý nghĩa để dành tặng cho các em nhỏ nơi này.Thế là ý tưởng làm sách nói bằng giọng Huế của Thu và các bạn của mình ra đời.

Dự án “Thanh sắc Cố đô” quy tụ 23 thành viên, đều là sinh viên thuộc Đại học Huế. Có thành viên là người Huế, nhưng có rất nhiều thành viên đến từ những vùng, miền khác, nhưng đều có điểm chung là tình yêu với Huế, chọn mảnh đất Huế làm nơi học tập. Bạn Lê Thị Thu nói rằng, sách nói từ lâu đã không còn lạ lẫm với mọi người, nhưng hầu hết đều được đọc bằng chất giọng miền Nam hoặc miền Bắc. Vậy nên “Thanh sắc Cố đô” hướng đến việc thực hiện kho sách nói hoàn toàn bằng giọng Huế với mong muốn lan tỏa giọng nói của người Huế, xứ Huế đến với mọi miền Tổ quốc.

 Bạn nhỏ khiếm thị tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù giao lưu trong sự kiện lời chạm sách do dự án “Thanh sắc Cố đô” tổ chức

“Nghe sách nói bằng chính chất giọng của quê hương xứ sở mình chắc chắn là những trải nghiệm thú vị đối với các bạn nhỏ khiếm thị ở Huế”, Thu bày tỏ. Bởi khi các em nghe những câu chuyện, những cuốn sách được đọc bằng giọng Huế, các em sẽ thấy gần gũi, thân thương như chính được nghe giọng của bà, của mẹ kể chuyện trong những đêm hè lộng gió bên hiên nhà mình.

Để có kinh phí thực hiện dự án, giữa cái nắng chói chang của xứ Huế những ngày giáp hè, Lê Thị Thu, Huỳnh Thị Tuyết Trang (Huế), Nguyễn An Thư (HCM)… đã chạy khắp nơi, đến gõ cửa từng công ty để xin tài trợ. Thật may mắn khi dự án đã “chạm” được vào lòng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nên “Thanh sắc Cố đô” đã có được sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ. “Người ta nói, từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Chỉ cần chúng ta mở lòng, gió mát sẽ tự tìm đến. Khi chúng ta làm điều gì đó cho cộng đồng, thì nhất định sẽ được cộng đồng đáp lại. Trên hành trình lan tỏa yêu thương, tôi thật sự hạnh phúc khi có thật nhiều người đồng hành”, An Thư chia sẻ.

Nguyễn An Thư sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi đọc loạt bài viết về giấc mơ Huế trên báo, cô đã chọn Huế để đến học tập bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Bằng tình yêu Huế của mình, đã thôi thúc An Thư muốn làm một điều gì đó góp phần cho mảnh đất mà cô chọn gửi gắm những năm tháng thanh xuân nơi giảng đường đại học. Các em đều là những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của Khoa Quốc tế - Đại học Huế, nhiều năm liền đều đạt học sinh giỏi, luôn năng nổ trong các phong trào Đoàn.

“Là một người con của Huế, tôi luôn ấp ủ ước muốn có thể lan tỏa thanh âm của con người, xứ sở thơ mộng, trữ tình này đến với bạn bè khắp cả nước. Giọng Huế vốn dĩ ngọt ngào và đầy sức lay động, nó có sức hút rất kỳ diệu. Nên tôi nghĩ rằng, dự án đem sách nói giọng Huế đến cho trẻ em khiếm thị là một ý tưởng mới lạ và đầy tính nhân văn. Bản thân tôi cũng muốn chung tay góp sức lan tỏa dự án đến cộng đồng. Thông qua dự án, tôi hy vọng không chỉ giúp các em tại trung tâm mà còn nhiều người nữa có thêm một nguồn tư liệu để học tập, giải trí, bước chân vào thế giới tuổi thơ tươi vui, muôn màu, muôn vẻ từ sách nói”, Đặng Thị Bích Trâm (Huế), sinh viên xuất sắc Khoa Quốc tế, cũng là Đại sứ truyền thông của dự án chia sẻ.

Yêu Huế, nên khi biết bản thân có thể đóng góp giọng nói cho dự án sách nói “Thanh sắc Cố đô”, nhiều bạn trẻ Huế có chất giọng hay đã ngay lập tức đồng ý “góp yêu thương” cùng dự án. “Một giọng nói hay thật sự xóa bỏ mọi khoảng cách vùng, miền. Các bạn thu âm cho dự án đều có chất giọng vô cùng tuyệt vời. Tôi là người Huế, nhưng khi nghe giọng các bạn ấy cất lên cũng khiến bản thân mình mê mẩn”, Tuyết Trang nói.

Ngoài thu âm các đầu sách từ cuộc thi viết truyện thiếu nhi “Đóa hoa đồng thoại”, dự án “Thanh sắc Cố đô” đang hướng đến dòng sách viết về Huế và của các tác giả Huế. Trong hành trình xây dựng kho sách nói bằng giọng Huế, dự án cũng đã tổ chức thành công sự kiện “Lời chạm sách” vào ngày 19/4 tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù. Bên cạnh các phần quà, dự án còn tặng 11 suất học bổng cho các em khiếm thị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại trung tâm, mỗi suất có giá trị 700 nghìn đồng.

Lê Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top