|
Diễn giả Minh Bon chia sẻ cùng các cha mẹ tại workshop Giao tiếp thấu cảm |
Cha mẹ vô tình, con cái tổn thương
Một trải nghiệm thực tế thú vị với các ba mẹ tham gia buổi workshop hôm đó là hoạt động “Không được”. Tham gia trải nghiệm này, các ba mẹ sẽ chia ra thành hai đội, một nửa đóng vai ba mẹ, một nửa đóng vai con. Mọi người đứng thành hai vòng tròn, vòng tròn ba, mẹ ở trong và vòng tròn bên ngoài là các đứa con. Những đứa con sẽ đi quanh các ba mẹ và nói lên mong muốn của mình như: Con muốn được mẹ ba chơi cùng, con muốn được đi nhà sách… và nhiều mong muốn khác của mình. Đáp lại mong muốn của con, các ba mẹ sẽ trả lời một cách lạnh lùng: “Không được” với vẻ mặt không vui, không chú ý đến mong muốn của con. Yêu cầu diễn giả đưa ra sau trải nghiệm này là: Ba mẹ hãy quan sát mỗi ngày trẻ nhận được bao nhiêu phản hồi “Không được” từ cha mẹ và trẻ sẽ hình thành niềm tin gì khi mỗi ngày đều nhận được nhiều phản hồi như thế. “Con sẽ không dám nói lên mong muốn của mình với cha mẹ nữa và dần dần sẽ mất kết nối với cha mẹ”, diễn giả Minh Bon nói.
Một trải nghiệm khác ở workshop lấy đi rất nhiều nước mắt của những ba mẹ tham gia là trải nghiệm: “Mẹ ơi, con muốn được thương!”. Trong tiếng nhạc bài hát Nhật ký của mẹ nhè nhẹ, lần này các con sẽ đi vòng quanh và nói với mẹ/ba rằng “Mẹ/ba ơi con muốn được thương”. Đáp lại ba/mẹ sẽ trả lời: “Mẹ/Ba không muốn nhìn thấy con nữa!” và những câu từ chối khác với thái độ bực mình, khó chịu. Dù là trải nghiệm tình huống, nhưng rất nhiều giọt nước mắt xúc động của cả ba và mẹ đã rơi khi thốt ra câu nói này với con. Trải nghiệm thực sự đã chạm đến trái tim của các ba mẹ tham gia hôm đó, bởi trong cuộc sống đã không ít lần các ba mẹ đã nói những câu nói nghiệt ngã với con như vậy.
Cũng ở trải nghiệm này, ở lượt thứ hai thay vì nói những câu nói nghiệt ngã như trên, ba/mẹ sẽ ôm con và nói với con: “Xin lỗi vì ba/mẹ không lắng nghe con!” và những câu nói khác nhẹ nhàng hơn để chia sẻ cùng con. Trải nghiệm chính là cơ hội để các ba mẹ tự nhìn nhận và nghĩ về những sai lầm trong ứng xử của mình với con mà lâu nay đã quá vô tình không để ý và nhiều ba mẹ đã cảm thấy rất xúc động, ân hận vì điều đó.
“Có khi vì bận rộn công việc, vì cảm xúc không cân bằng, vì mệt mỏi mưu sinh mà ba mẹ đã liên tục chối bỏ những nhu cầu, cảm xúc của con và nói những câu nói lạnh lùng, thiếu sự quan tâm, để ý đến con. Những câu nói này như con dao sắc nhọn cứa vào lòng con trẻ, gây tổn thương cho con. Con cái sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, không còn được yêu thương, quan tâm, không được thấu hiểu và con sẽ dần dần không chia sẻ với ba mẹ những gì chúng mong muốn và cảm nhận nữa, khoảng cách giữa con và ba mẹ từ đó sẽ ngày càng xa”, diễn giả Minh Bon nói.
“Con muốn được ba mẹ yêu thương”
Sau khi đưa ra và phân tích những hành vi của ba mẹ gây niềm tin sai lệch cho trẻ, như chối bỏ những mong muốn của con, thuyết giảng con quá nhiều khiến chúng không muốn nghe nữa, ép buộc trừng phạt con của ba mẹ,… diễn giả Minh Bon đã đưa ra 6 bước để các ba mẹ có thể giao tiếp thấu cảm với con. Đầu tiên là ba mẹ phải thực sự cân bằng cảm xúc của mình. Thứ hai là phải lắng nghe con nói, dừng hẳn mọi việc để lắng nghe và nhìn thẳng vào con. Thứ ba là giải mã thông điệp con nói bằng cách lặp lại thông điệp con vừa nói và hỏi con: Có phải ý con là vậy không. Ở bước này, ba mẹ cũng hãy đoán cảm xúc lúc đó của con như thế nào. Bước thứ tư để giao tiếp thấu cảm với con là gợi mở cho con bằng những câu nói như: Điều gì khiến con lo lắng/không vui…? Khi ba mẹ mở lòng, con sẽ chia sẻ với bạn. Ở bước thứ năm, ba mẹ sẽ đưa ra giải pháp cho con bằng cách hỏi: Vậy con có ý tưởng gì không, theo con thì thế nào, chúng ta có thể làm gì… Và bước cuối cùng để thấu cảm cùng con là ghi nhận và trao tặng con cái ôm.
“Hãy nói lời ghi nhận thường xuyên, kịp thời, ngay lập tức với con khi con có những tiến bộ và những thay đổi theo hướng tích cực. Ba mẹ một khi hiểu con sẽ thương con hơn. Hãy ôm con ngay mỗi khi đi làm về, mỗi khi con về nhà, hãy thể hiện tình yêu thương ngay, sợi dây kết nối sẽ đưa con và ba mẹ gần nhau”, diễn giả Minh Bon nhắn nhủ.
Chị Hồng Vân, một phụ huynh tham gia buổi chia sẻ tâm sự: “Mình đã thật sự cảm nhận được nhiều điều thiếu sót chưa làm được với con cũng như gia đình. Xúc động nhất là mình được trải nghiệm là đứa con bị ba mẹ miệt thị, nói những lời nói cay nghiệt mà ba mẹ xem đó là bình thường những lúc nóng giận. Cảm thấy được yêu thương khi được nghe những lời nói nhẹ nhàng vỗ về. “Con muốn được ba mẹ yêu thương” câu nói này đã khắc sâu trong mình sau buổi trải nghiệm”. “Những chia sẻ rất hay và thiết thực, những tình huống thực tế gặp thường xuyên hằng ngày giúp mình nhận ra và sẽ cố gắng tiết giảm, hạn chế hơn để có thể giao tiếp thấu cảm hơn với con cái, gia đình và mọi người”, chị Quỳnh Nhung, một phụ huynh khác nói sau khi buổi chia sẻ kết thúc.