ClockThứ Tư, 16/06/2021 15:04

Thầy thuốc cầm bút

TTH - Thầy thuốc cầm bút, đó không phải là khi họ lên đơn thuốc hay ký y lệnh mà là lúc, họ dành thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để chia sẻ kiến thức y học thường thức cho cộng đồng. Họ viết để thỏa niềm mê với con chữ và lan tỏa những hiểu biết hữu ích.

Bổ nhiệm TS.BS Nguyễn Đức Hoàng làm Phó Giám đốc Bệnh viện TW Huế - Cơ sở 2

TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng (trái) nhận Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Ảnh: Thượng Hiển

Mong người dân tránh được những tai nạn đáng tiếc

Có lẽ không riêng người bệnh, mà ngay cả bạn đọc của Báo Thừa Thiên Huế cũng đã rất thân quen với tên BS. Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 - người đã hơn 10 năm gắn bó với Báo Thừa Thiên Huế ở mục “Sức khỏe của bạn”.

Thực hiện giấc mơ trở thành một bác sĩ, ngay từ khi đang là sinh viên, TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng đã có ý thức rèn nghề rất chắc chắn. Sáu năm liền anh là sinh viên giỏi, ưu tú của trường. Ra trường đi làm, trải qua nhiều cương vị công tác nhưng dù ở cương vị nào con người ấy vẫn toát lên khí chất của một bác sĩ Nguyễn Đức Hoàng đam mê nghiên cứu khoa học, trách nhiệm, nhiệt huyết và ấm áp tình thương với người bệnh.

Bận rộn là vậy, nhưng những bài viết y học phổ thông để người dân dễ tiếp cận luôn được TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng dành thời gian thực hiện. Thường đó là một phần của khung giờ nghỉ ngơi sau cả ngày dài vất vả. Thường nhất là khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ trước 23 giờ, TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng thư giãn, tĩnh tâm và viết lại những câu chuyện muốn viết từ ban ngày mà chưa có thời gian để hoàn thành. Ông viết như một nhu cầu của riêng mình và gửi gắm vào đó cả niềm mong lan tỏa, nhắn nhủ đến nhiều người dân để bà con ai có nguy cơ thì tránh được càng nhiều càng tốt để những tai nạn không đáng có xảy ra. Hơn 10 năm thủy chung cộng tác duy nhất với Báo Thừa Thiên Huế ở tuyến bài về y tế, không trùng lặp.

“Trong quá trình công tác, tôi đã trực tiếp tham gia cấp cứu nhiều trường hợp nguy hiểm, như: tắc dị vật đường thở, dị vật tai, rắn cắn, đuối nước, điện giật, bỏng nước sôi… Tôi nhận ra trong những tình huống cấp cứu đó, có nhiều tình huống hoàn toàn có thể tránh được, nhất là tai nạn đối với trẻ nhỏ. Chỉ cần người lớn cẩn trọng, chú ý đến trẻ nhiều hơn thì sẽ tránh được những tai biến đáng tiếc. Chính những lúc ấy đã luôn thôi thúc được chia sẻ những kiến thức y học phổ thông, đơn giản để người dân dễ hiểu và phòng tránh”, TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.

“Động lực nào để anh đồng hành cùng Báo Thừa Thiên Huế chặng đường dài ấy?”. Đáp lại tôi, anh cười giản dị: “Vì Thừa Thiên Huế là quê hương mình. Gắn bó với Báo Thừa Thiên Huế để nhiều người dân trên quê hương mình tiếp cận được nhiều thông tin y học bổ ích hơn”.

Những ngày này, TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng đang thực hiện nhiệm vụ Phó Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế chi viện cho Bắc Giang. Ở đầu dây điểm nóng, điện thoại và các trang mạng xã hội của anh luôn mở chế độ “Đang hoạt động”. Hỏi anh có mệt? Anh lại cười: Ở đây mọi điều kiện hậu cần đều được quan tâm và đảm bảo quá tốt. Hậu phương hãy luôn yên tâm!

Viết cho thỏa suy nghĩ trong đầu

Đó là chia sẻ ngắn gọn của TS. BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế khi tôi mở chuyện. Nhưng hỏi nhiều hơn, TS. BS. Lê Thanh Hải lại càng không muốn nói thêm nữa. Ông đơn giản: “Cần cung cấp thông tin y khoa, tôi sẽ hỗ trợ hết mình nếu tôi biết. Còn nữa thì thôi. Bởi tôi chỉ muốn viết cho thỏa cái suy nghĩ trong đầu, viết để tập thể dục cho não thôi”.

TS. BS. Lê Thanh Hải (giữa) đón lãnh đạo tỉnh thăm Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế. Ảnh: BVCC

“Tắm đều hằng ngày để giảm 285 cơn đau tim, giảm 26% đột quỵ, tăng miễn dịch và giảm đường máu”, “8 lời khuyên để giữ cho phổi bạn khỏe hơn trong mùa COVID-19”, “Bỏ bữa sáng, thức khuya gây ra nguy cơ tiềm ẩn bệnh đại tháo đường”, “Nắng nóng đột ngột đầu mùa dễ làm bộc phát bệnh tim mạch”… Đó chỉ là một vài bài trong rất nhiều bài viết được TS. BS. Lê Thanh Hải thực hiện và đăng tải đều đặn trên trang Facebook "Sức khỏe cộng đồng" của ông. Phần lớn những bài viết này được đăng tải trên Báo Sức khỏe và Đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế.

Điều đáng quý ở những bài viết của TS. BS. Lê Thanh Hải là luôn đón đúng tâm lý và thời điểm của cộng đồng để chia sẻ một cách thiết thực những hiểu biết, quan sát y học. Những bài viết ngắn gọn, dễ hiểu và cụ thể với từng đối tượng, từng thời điểm khiến ai cũng dễ nhận ra mình trong đó và dễ áp dụng, làm theo để cải thiện sức khỏe. Riêng tôi, những lúc cần thông tin về các bệnh nội khoa, bệnh liên quan đến phổi…, đều tìm đến ông xin ý kiến. Lĩnh vực ông am hiểu, ông giải thích cặn kẽ. Những lĩnh vực khác, ông luôn sẵn lòng kết nối chuyên gia. Ông tâm niệm, chỉ cần chuyển tải được những thông tin có ích cho người dân, cho cộng đồng thì không nề hà.

Nói về thầy thuốc cầm bút, tôi hoàn toàn chưa muốn dừng lại ở đây. Bởi lẽ, còn nhiều gương mặt là tiến sĩ y khoa, bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê như TS. BS. Phạm Nguyên Tường, Văn Huệ... rất thuần văn chương là cộng tác viên thân thuộc của Báo Thừa Thiên Huế. Hẹn dịp khác vậy!

Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top