Những ngày gian khó
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, anh Trình theo gia đình từ xã Vinh Giang (Phú Lộc) lên huyện Nam Đông xây dựng kinh tế mới. Chứng kiến cảnh cuộc sống của đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn, anh thầm ước góp sức xây dựng cho quê hương thứ hai của mình. Hoàn tất chương trình trung học phổ thông, anh theo học tại Trường trung cấp Y Huế và được trở lại công tác ở huyện Nam Đông.
Bác sĩ Trình trong giờ khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế thị trấn Khe Tre
Năm 1990, anh Trình vào biên chế của đội phòng dịch sốt rét huyện. Năng động, nhiệt thành với công việc, năm 1993, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện phân công anh làm Trưởng trạm Y tế xã Thượng Quảng, địa bàn vùng sâu của huyện. Khó khăn không chỉ đường sá đi lại heo hút, mà nơi đây thường xuất hiện các ổ dịch bệnh, như sốt rét, thương hàn, tiêu chảy... Xã Thượng Quảng lúc ấy chỉ có hơn 300 hộ; trong đó 2/3 là người dân tộc Cơ Tu, nhà này cách nhà kia gần cả cây số. Những năm đầu anh lên nhận công tác, trạm chỉ có 2 cán bộ (anh và một hộ lý) nhưng phải kiêm nhiệm từ tiêm phòng đến khám, điều trị bệnh cho tất cả 7 thôn trên địa bàn. Trạm xá chỉ căn nhà tạm, không có giường bệnh, trang thiết bị y tế chỉ vài chiếc xi-lanh, panh, kéo; thuốc thì mỗi tháng anh phải đi gần 20km đường đồi ra Trung tâm Y tế huyện nhận để phục vụ khám, chữa bệnh và cấp phát cho bệnh nhân.
Anh Trình kể, những năm đầu thập niên 1990, sợ nhất là vào mùa hè đi chống dịch ở Thượng Quảng. Khi đó, nổi lên là dịch sốt rét. Từ việc phòng ngừa dịch sốt rét đến vận động dân đưa con em đi tiêm phòng các bệnh ho gà, bại liệt... là cuộc chiến cam go vì nơi đây còn nhiều hộ dân sống cảnh du canh du cư, chẳng mấy ai quan tâm. Anh phải đến tận nhà để tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, ngủ có màn... Thế nhưng, nhiều người vẫn không thông, có người trong bản lý sự “con muỗi bé xíu làm sao mạnh bằng con người được”. Hơn nữa, khi ốm đau, bà con lại nghĩ đến chuyện cúng bái thầy mo, trừ tà ma quỷ để điều trị.
Hậu quả của những tập tục lạc hậu chính là bệnh ngày càng nặng, thậm chí dẫn đến nhiều cái chết thương tâm. Điều đó thôi thúc anh Trình đem hết cái tâm, trách nhiệm bản thân chăm lo sức khỏe cho người dân. Nghe ở địa bàn có chuyện xấu liên quan bệnh dịch, anh tìm đến giải thích, tư vấn; nếu bà con không thuận, có lúc anh đem cả tính mạng để “đánh cược”. Lâu dần bà con cũng thay đổi nhận thức, rồi tin, rồi chuyển thành quý mến anh lúc nào chẳng hay. Đó là động lực giúp anh Trình tiếp tục cùng ăn, cùng ở với người dân để chống chọi, đẩy lùi dịch bệnh...
Ở đâu cũng làm tốt
Để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con, năm 1998, anh Trình tiếp tục theo học bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Y dược Huế. Cuối năm 2001, trở lại trạm công tác, anh mạnh dạn tham mưu đề xuất chính quyền sở tại đầu tư nâng cấp trạm, thu hút cán bộ, đẩy mạnh thực hiện tốt các chương trình quốc gia y tế. Nhờ đó, năm 2008, Trạm Y tế xã Thượng Quảng đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở và là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên của huyện Nam Đông được công nhận.
Vừa góp sức đưa Trạm Y tế xã Thượng Quảng sang trang mới, năm 2010 bác sĩ Trình được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện điều đến làm Trưởng trạm Y tế thị trấn Khe Tre.
“Đứng mũi chịu sào” ở Trạm Y tế Khe Tre, anh Trình vừa làm, vừa tham mưu, đề xuất các kế hoạch, chương trình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn. Hằng tuần, anh phân công cán bộ trạm y tế đến cơ sở nắm bắt tình hình bệnh tật, tuyên truyền các chính sách y tế, các biện pháp phòng bệnh cho người dân trong vùng. Trạm luôn có cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận việc tư vấn khám, chữa bệnh kịp thời cho bà con. Hàng năm các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành đề ra, trạm đều đạt và vượt; trở thành điểm sáng y tế cơ sở của Nam Đông. Năm 2015, Trạm Y tế thị trấn Khe Tre là một trong những đơn vị lần thứ 2 của huyện được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã và đơn vị đạt điểm cao nhất trong thang chấm điểm đánh giá của đoàn kiểm tra.
Được đồng nghiệp biết đến như một người nói ít, làm nhiều, với tâm huyết, trách nhiệm hơn 26 năm ở huyện miền núi Nam Đông, bác sĩ Trình đã chứng minh, không có khó khăn nào khiến anh chùn bước khi bản thân quyết tâm phấn đấu và được bà con từ Thượng Quảng đến thị trấn Khe Tre yêu mến, tin tưởng.
Minh Văn