Quán cà phê nhỏ của bạn dù mới mở nhưng khá đông khách. Giá cả vừa phải một phần, còn là vì anh chủ quán rất nhiệt tình, vui vẻ. Ly cà phê rang xay 10 ngàn đồng, bạn nói nếu tính chi ly có khi không lãi là bao, nhưng "tui không bao giờ nghĩ tới chuyện pha tạp chất, lấy cà phê loại rẻ". Cà phê phin thì chỉ lấy loại nước 1 (loại đậm đặc), người ta tặng chai nước 2 để thêm vào khi làm cà phê sữa Sài Gòn nhưng bạn nhất quyết không lấy. "Mình thêm cho khách chút cà phê nữa có chi mô nà. Lãi ít cũng được", bạn cười giải thích khi trong nhóm có người hỏi vì sao không lấy cà phê nước 2 người ta tặng. Còn sữa thì ai thích uống nhiều cũng được tặng thêm, có khi tôi thấy bạn đưa nguyên hộp sữa giấy loại lớn để khách pha tùy thích. Không như quán hội chị em tôi hay ngồi, cà phê đậm đắng gọi thêm chút sữa thì tính thêm 5.000 đồng. Thực ra nó cũng chẳng đáng là bao, nhưng cảm giác kiểu như người ta quá sòng phẳng, không phân biệt được đâu là khách quen, khách thật sự có nhu cầu chứ không chỉ là thỏa mãn sự ham hố, ích kỷ.
Bạn thì không như thế. Có mấy hôm người bán vé số khuyết tật đi qua, ghé vào mua cà phê bạn không lấy tiền. Hôm thì người bán vé số kiên quyết đưa tiền thì bạn chỉ lấy 5.000 đồng "cho có lệ", rồi kèm theo ổ bánh mì chưa kịp ăn sáng. Hôm thì tặng bì bánh, khi gói kẹo, lại còn nói dối là không thích ăn... Cứ thế, thành ra bạn có thêm khách ruột là anh bán vé số.
Hội "chị em bạn dì" chúng tôi cũng chuyển từ quán cà phê quen tới "đóng đô" ở quán bạn. Lúc vơi khách có khi còn trông giúp quán để bạn "kiếm cuốc xe ôm" khi thấy du khách không rành đường và muốn kiếm phương tiện trở về khách sạn. Lúc thì bận rộn làm điện, nước, sơn nhà cho người ta... Kiểu là việc gì cũng làm, miễn là lương thiện và có thu nhập.
"Thợ đụng" - là câu bạn thường đùa khi ai hỏi về công việc. Một vài người thì cười khi nghe câu trả lời hài hước đó, còn tôi thì thấy ở đó cả một sự nghiêm túc, nhất là về sự chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi. Bạn làm được rất nhiều việc bởi bạn chịu khó, hiểu được giá trị của lao động. Không như một vài thanh niên ở xóm tôi, họ sức dài vai rộng nhưng "siêng ăn, nhác làm", ngày ngồi cà phê ba cữ: sáng, trưa, chiều tối. Hễ có việc cần tiền là ngửa tay xin ba mẹ, dù họ đã già và chẳng giàu có gì. Khi xin không được thì trộm cắp, nợ nần. Có người cũng vì "nhàn cư vi bất thiện" lại sinh ra rượu chè, cờ bạc rồi nợ như "chúa chổm". Tệ hại hơn có người còn vướng vào số đề, ma túy làm tan cửa nát nhà.
Người xưa có câu "Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề", câu nói này không sai. Nhưng nếu cả 9 nghề đều chín thì càng đáng quý. Hoặc ít ra dù một nghề chưa chín muồi, thì ít nhất cũng có thể dựa vào 8 nghề biết qua, biết sơ để sống. Quan trọng vẫn là siêng năng, cần cù. Như Quang bạn tôi, có thể bạn không giỏi ở một lĩnh vực cụ thể nào, nhưng bạn vẫn luôn nỗ lực kiếm sống. Khi thất bại ở lĩnh vực này, bạn lại "đứng dậy" chuyển sang lĩnh vực khác và chấp nhận làm những công việc nhỏ nhặt nhất để "lấy ngắn nuôi dài". Bạn từng rất thành công với lĩnh vực gara ô tô, nhưng khi bị lấy lại mặt bằng, cơ hội làm ăn vụt mất. Vậy nhưng bạn không nản chí, vẫn bắt đầu lại từ quán cà phê nhỏ, dù đã ngoài 40.
Thế mới thấy, làm ăn kinh doanh hay nói "sang trọng" hơn là khởi nghiệp đâu chỉ cần vốn, mà quan trọng vẫn là ý chí, sự nỗ lực và dám thất bại.
Linh Đan