ClockThứ Tư, 25/01/2012 06:30

Tái hiện chợ Tết Gia Lạc ở TP Hồ Chí Minh

TTH - Sau những chuyến đi Pháp và Đức, lần này, chuyên gia ẩm thực Hoàng Anh đã tái hiện phiên chợ Tết Gia Lạc trên 200 năm tuổi của Huế tại TP Hồ Chí Minh, nhân dịp tết Nhâm Thìn.

Được khai mạc tối 15/1 tại Presidential Club (tầng thượng tòa nhà Sailing-TP. Hồ Chí Minh), phiên chợ không ngờ thu hút sự quan tâm đặc biệt của hàng trăm quan khách, như GS Trần Văn Khê, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, tổng lãnh sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân; giới văn hóa và các doanh nhân…

Giữa khung cảnh hiện đại và náo nức của Sài Gòn, du khách có dịp “chạm” vào những gía trị văn hóa cổ xưa của Huế, từ không gian trang trí đến vật phẩm Tết như trướng liễn làng Chuồn; tranh dân gian làng Sình; hoa giấy Thanh Tiên; bông đũa ngũ sắc… là những vật phẩm thờ cúng dịp Tết được lưu truyền trong dân gian. Chợ còn bày bán những sản vật xa xưa, từ chiếc xơ mướp dùng để tắm, những chiếc lược chải chấy, các con vật ngũ sắc, những đôi guốc gỗ nhỏ xíu của trẻ con cho đến con dao nhíp bổ cau… Người xem lạc vào ký ức tuổi thơ với những món đồ chơi xa xưa như con tu huýt bằng đất nung của làng cổ Phước Tích, chiếc lùng tung giấy ngộ nghĩnh, những con vo vo xinh xắn, đáng yêu.
 

Mâm bánh Tết trang nhã đặc thù xứ Huế

 
Dịp này, nghệ nhân Hoàng Anh giới thiệu nhiều món ăn Huế nấu theo lối xưa, đặc biệt là món bánh canh Nam Phổ, bánh tét làng Chuồn, món xôi đường nức tiếng của làng cổ Phước Yên và món bánh bài truyền thống mà ngày nay gần như đã thất truyền ở Huế…
 
Ngoài dạo chơi và mua sắm, chợ còn tái hiện phần hội “Cầu may đầu năm” với các trò chơi dân gian hào hứng như hát bài chòi, thả bầu cua tôm cá, hội xăm hường - một trò chơi không thể thiếu trong các ngày tết ở chợ Gia Lạc.
 
 
 
Theo sử liệu, chợ Gia Lạc do Định Viễn Quận vương Nguyễn Phước Bình – Hoàng tử thứ 6 của Vua Gia Long - lập ra dưới thời Minh Mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất, năm 1826. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 km về hướng Vĩ Dạ, địa điểm họp chợ thuộc địa phận thôn Nam Thượng, (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang).
 
Theo các bậc bô lão làng Nam Thượng, vào mồng 1, mồng 2 và mồng 3 Tết, khi các chợ nói chung đều vắng, thì chợ Gia Lạc lại họp đông đúc, bày bán các sản vật vùng phụ cận, từ cơi trầu, quả hộp đến quần áo may sẵn, đồ chơi trẻ em và chỉ họp duy nhất một lần trong năm. Chợ không thể thiếu những món ăn dân dã, như bánh canh Nam Phổ, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc… đặc biệt là món cau tươi nổi tiếng vùng chợ Dinh dùng với những quả cau Nam Phổ.
 
Để phục dựng phiên chợ Tết Gia Lạc đã mai một, nghệ nhân Hoàng Anh đã cất công nghiên cứu qua sử sách, gặp gỡ các bậc trưởng lão và các nhà nghiên cứu Huế. Chị đã lặn lội đến các làng nghề truyền thống từng sản xuất các vật phẩm được bày bán tại chợ Gia Lạc xưa. Đó là cuộc tìm kiếm đầy khó nhọc bởi nhiều nghề truyền thống đã mai một, kể cả những vật phẩm là đồ chơi cho trẻ con. Hay món bánh bài đúng theo kiểu cách cung đình Huế xưa được phục dựng lần này, nghệ nhân Hoàng Anh phải tìm đến những chiếc khuôn cuối cùng được lưu giữ tại một chùa sư nữ ở Huế - nơi công chúa Ngọc Cơ, con vua Gia Long lập ra để tu học. Riêng trướng liễn làng Chuồn, đến nay, chỉ còn một bộ khuôn duy nhất được lưu giữ tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế…
 

Mua guốc gỗ tại chợ Tết Gia Lạc

 
Sinh ra và lớn lên ở Huế, lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, với mong muốn tìm lại, lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa Huế cổ xưa, đây là lần thứ ba, nghệ nhân Hoàng Anh tái hiện phiên chợ Tết Gia Lạc cùng với việc quảng diễn ẩm thực Huế, sau khi tổ chức tại Munich (Đức) và tại Nantes (Pháp) cách đây vài năm.
 
Sau thành công của 3 lần tái hiện, nghệ nhân Hoàng Anh cho rằng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phiên chợ Gia Lạc cùng những sản vật trang trí như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, trướng liễn làng Chuồn, những đồ chơi trẻ con dân gian và những món ăn truyền thống Huế vẫn có giá trị du lịch - văn hóa nếu chính quyền và người dân Huế biết khai thác một cách hợp lý và thực tế như những nơi khác.
 

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến vải thừa thành những chiếc túi xinh xắn

Sau những lần lang thang trên facebook, đọc được nhiều “than vãn” của chị em về những mẩu vải thừa may áo quần thì thiếu nhưng bỏ thì tiếc, sẵn có hoa tay về thêu thùa, may vá, chị Đỗ Thị Diệu Trâm (196 Trịnh Công Sơn – TP. Huế) nảy ra ý tưởng hướng dẫn chị em cách tận dụng vải thừa may thành những chiếc túi xinh xắn dùng để đi chợ, đi học, đi làm…

Biến vải thừa thành những chiếc túi xinh xắn
Giày rồng

Xuất hiện nhiều trên báo chí nước ngoài, tham gia triển lãm, trình diễn thời trang, được các người mẫu cá tính lựa chọn... giày rồng (dragon shoes) có mặt tại 20 quốc gia với mức giá 450 USD/đôi. Vậy nhưng ít người biết đến nơi khai sinh của sản phẩm handmade tinh xảo này là Huế...

Giày rồng
Thời trang 2hand: Rẻ mà vẫn đẹp

Trời chuyển lạnh, mọi người bắt đầu xếp gọn áo quần mùa hè lên kệ để thế chỗ cho thời trang ấm áp. Ngày trước, khi hơi thở bắt đầu “bốc khói” cũng là lúc các quầy thời trang cao cấp đông nghịt người. Nhưng giờ “thời thế” thay đổi, 2hand, hay còn gọi là hàng “si” lên ngôi. Vài chục đến vài trăm ngàn đã có đồ chất lượng.

Thời trang 2hand Rẻ mà vẫn đẹp
Return to top