ClockThứ Ba, 18/08/2020 13:45

Thư giãn mùa dịch

TTH - Khi các hoạt động văn hóa, giải trí đã tạm ngưng để phòng chống dịch COVID-19, nhiều người chọn thú vui trồng, chăm sóc cây kiểng nhằm thích nghi với nhịp sống chậm trong thời dịch bệnh.

24 nông dân TP. Huế được đào tạo nghề trồng, chăm sóc cây cảnhKỳ công thú chơi cây cảnh mi-ni

Anh Phan Văn Diện tỉ mẫn tạo dáng bonsai cho cây mai chiếu thủy

Cùng bonsai

Bén duyên với lĩnh vực sinh vật cảnh gần 10 năm nay, anh Võ Đức Tình (42 tuổi, P.Phú Bài, TX. Hương Thủy) đang sở hữu vườn cây kiểng độc đáo với hàng chục loại quý, như mai, tùng, linh sam... đặc biệt là bonsai hoa giấy có nguồn gốc từ Thái Lan.

Theo anh Tình, thời gian đầu mới biết chơi cây, anh chỉ sưu tầm cây cảnh truyền thống đơn giản rẻ tiền. Khi hiểu hơn giá trị và đặc tính của cây, anh bắt đầu chú ý đến những cây gọi là “mốt” của thị trường, như mai Huế, tường vi, hoa giấy về chăm sóc tạo dáng. Ngoài công việc chính, hễ rỗi rãi, anh tập trung vào vườn cây kiểng mà gia đình đã hao tốn không ít mồ hôi và tiền bạc. Quá trình tạo dưỡng cây kiểng, nhất là những dáng cây bonsai theo anh rất kỳ công, đòi hỏi người chơi phải đầu tư thời gian chăm sóc, nghiên cứu cách tạo dáng tinh tế cho cây. Đặc biệt ngày nào cũng phải dõi mắt, dành ít thời gian làm sao cho cây phát triển theo đúng ý đồ. Cây thế cao hay thấp, dáng trực hay đổ... đều phải qua nhiều năm, nhiều giai đoạn mới hình thành.

“Một cây bonsai “độc, lạ” phải bảo đảm các yếu tố: cổ - kỳ - mỹ, nghĩa là phải già, lạ và đẹp mắt. Do đó phải mất khoảng 4 năm để tạo dáng từ ban đầu, 7-8 năm mới cho ra một “tác phẩm” cơ bản hoàn chỉnh. Tùy theo sở thích, mỗi người sẽ chọn cho mình một kiểu bonsai riêng, như bonsai hoa, bonsai trái, bonsai mộc lũa” - anh Tình chia sẻ.

Anh Phan Văn Diện (đường Sơn Xuyên, Bàu Vá, Thủy Xuân, TP. Huế) cũng sở hữu không dưới trăm chậu cây bonsai. Những loại bonsai mà anh Diện đeo đuổi, như mai vàng, tùng, ngọc quế, tường vi, sứ trắng… Trong đó nhiều cây có thế đẹp được anh nuôi dưỡng nhiều năm mà không ít lần nó được khách trả giá cao nhưng anh không bán vì trót mê.

Anh Nguyễn Văn Bi (đường Mai Hắc Đế, An Hòa, TP. Huế) cho rằng, chơi cây thế bonsai bên cạnh năng khiếu trời cho còn phải có đam mê. Sự đa dạng, phong phú trong các loại bonsai thể hiện sự năng động, nhạy bén của người chơi.

Để “nhập cuộc” sân chơi này, phải yêu thích, say mê; đồng thời phải luôn cập nhật kiến thức, trao đổi nghề với giới chơi cây. Những năm gần đây, xu hướng chọn cây thế bonsai để bài trí cho không gian sống thêm ý nghĩa không chỉ người già mà còn giới trẻ. Tùy vào dáng thế, chủng loại mà bonsai có giá trị khác nhau, như mai vàng Huế từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, có cây lên đến vài trăm triệu đồng…

Sống chậm

Theo anh Võ Đức Tình, để mỗi ngày trôi qua không nhàm chán, có ý nghĩa hơn trong thời dịch COVID-19, việc trồng, chăm sóc cây kiểng, bonsai vừa để giải trí vừa để suy nghĩ về đời người, đời cây. Thời điểm này, ngoài công việc cần thiết phải ra khỏi nhà, thời gian còn lại anh luôn ẩn trong vườn để “tổng vệ sinh”, thiết kế các dàn kệ cũng như sắp xếp lại các chậu bonsai đang ngổn ngang.

Hôm rồi đi công tác bên kia phá Cầu Hai, ghé thăm ông Ngô Văn Quýt (ở xã Giang Hải, huyện Phú Lộc). Ông Quýt là cựu chiến binh đã vào tuổi xưa nay hiếm có đam mê cây kiểng. Một thời ông đã khá lên nhờ cây kiểng nên không ngoa mà nói rằng, những kỹ năng, kinh nghiệm tạo ra những dáng thế cây đẹp, bonsai đắt giá dường như đã ngấm vào máu của cựu chiến binh này.

Ông Quýt nhận định, mỗi cây bonsai là một tác phẩm sống, biến thiên và không có điểm dừng. Mỗi một cọng rễ hay lát cắt trên thân cây đều thể hiện tâm tư, tình cảm và sự hiểu biết mà người chơi gửi gắm. Ở đó người chơi nuôi dưỡng tinh thần, giúp tâm hồn trở nên thư thái, thoải mái, biết quý trọng cái đẹp. Đặc biệt là trong thời dịch COVID-19, thay vì thường la cà làm vài cốc bia, hay nhâm nhi cà phê với bạn bè, ông và nhiều người bạn chọn cách dành thời gian chăm chút cây kiểng, bonsai trong vườn để vừa phòng, chống dịch vừa tạo nên lối sống gần gũi thiên nhiên.

Những người đam mê cây kiểng, bonsai không có gì bằng những phút giây tĩnh lặng thả hồn theo những cảm xúc của thiên nhiên, hoa cỏ được thu nhỏ trước sân, vườn nhà. Thú chơi này như một sợi dây vô hình nối những tâm hồn đồng điệu xích lại gần nhau hơn. Tìm đến cây cảnh, họ vừa được thưởng ngoạn cây vừa cảm nhận từ cây một thông điệp sống trầm tĩnh hơn, sâu sắc hơn để rũ bỏ hết những trăn trở, trút đi mọi ưu phiền trong cuộc sống thường nhật. Hơn hết là thỏa mãn niềm đam mê của mình, mang lại cho cuộc sống những giá trị tinh thần.

Trong thời điểm cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19, nhiều người chọn cách sống chậm bằng cách chăm sóc cây kiểng, bonsai. Cũng như nhiều người tranh thủ sau giờ đi làm về ghé vào cửa hiệu bán sẵn các loại hoa cây kiểng, bonsai mang về trang trí và chăm bẵm trong không gian sống của gia đình. Đó là một thú vui tao nhã góp phần giảm bớt nhàm chán, căng thẳng và lo âu trước hàng loạt thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

1.500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế

Tối 21/11, hội nghị Da liễu Quốc tế diễn ra phiên khai mạc chính thức. Hội nghị do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 1.500 đại biểu trong, ngoài nước là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ.

1 500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế
Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

Ngày 12/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin, người được ghép tim xuyên Việt thứ 12 đã làm thủ tục xuất viện. Lãnh đạo BV cùng đội ngũ chăm sóc sau ghép tặng hoa chúc mừng và chia vui cùng gia đình người bệnh.

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

TIN MỚI

Return to top