ClockThứ Ba, 28/06/2016 14:22

Ba

TTH - Cậu em ở quê bảo ba bệnh, sẽ đưa vào thành phố. Chị chạy vội đi mua tấm nệm, chuẩn bị chiếc giường êm. Ba mệt lắm, được đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Chị tất tả vào viện ngay. Trên giường bệnh, giọng yếu ớt nhưng ba vẫn ráng mỉm cười bảo “Ba chỉ hơi mệt, không sao đâu, mấy đứa bây cứ yên tâm, đừng lo”.

Ùa về trong ký ức chị ngày mẹ mất. Hai chị em, hai đứa trẻ nhóc chưa hiểu được mất mát và nỗi đau tột cùng, nhưng hàng đêm đứa nào đứa nấy khóc lóc đòi mẹ. Ba chỉ biết dỗ dành: “Mẹ đi xa rồi không về được mô, có ba đây mấy đứa bây cứ yên tâm, đừng lo”.

Sau này vào thành phố học (rồi định cư luôn ở đó), chị mới biết những người đàn ông đạp xe đạp thồ, đạp xích lô, những guồng chân nặng nhọc. Ở quê không có nghề này, nhưng sao chị thấy những người đàn ông đó giống hình ảnh của ba đến vậy! Cũng là cái lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Lại còn có ông lão co ro ngồi góc vỉa hè bán xôi trong ngày đông giá rét. Những lần ngang qua, chị lại rưng rưng, nhớ ba lam lũ.

Ba suốt ngày ruộng vườn, dù nắng nóng hay giá rét. Người nhà quê, đứa con nít cũng hiểu thế nào là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ba “bán mặt, bán lưng” cho cả phần mẹ, để có luống rau xanh tốt, để có lúa gạo, có những giỏ cua đồng....Ba già nhanh hơn những người đàn ông trong xóm, bàn tay cũng chai sần hơn, nứt nẻ. Bù lại, hai chị em có cái ăn cái mặc, sách vở đủ đầy. Thỉnh thoảng, ba lại mang về mấy trái trứng vịt lộn hoặc lon sữa bò (những thứ cao lương mỹ vị đối với dân quê thời đó). Nhìn ánh mắt háo hức của lũ con, nụ cười ba chừng mãn nguyện. Khi hai chị em “chia phần” cho ba, ba “giãy nãy”, bảo sữa bò có mùi bò hoi hoi, ba không uống được, còn trứng vịt lộn một lần ăn vào bị dị ứng nên ba... cạch. Thế mà chị em tôi cũng tin, vui vẻ đánh chén hết. Và những lần sau, lần sau nữa cũng vẫn vô tư như thế. Sau này mới rưng rưng hiểu, bất cứ thức nào ngon ba đều nhịn để dành phần cho các con. Cũng từ đó, chị em chị biết nhường nhịn nhau hơn.

Hết con rồi lại đến cháu. Đứa con gái của chị lúc mới chào đời toàn ngủ ngày, thức đêm quấy khóc. Ba bảo ba già rồi khó ngủ, để ba bế cháu. Đêm nào cũng vậy, ba cứ ẵm cháu miệng hát ru, hai ông cháu “du lịch” quanh nhà cho đến lúc con bé chịu ngủ ngon. Hôm con gái tròn bốn tháng tuổi, chị ẵm con vào thành phố, ba nhớ cháu ốm một trận. Cứ mỗi lần nghe con nít nhà hàng xóm khóc, ba lại giật mình cuống quýt “ông đây, ông đây”. Đến hồi “tỉnh” ra, ba ngồi thẫn thờ...

Chị rưng rưng nắm bàn tay ba, cánh tay chằng chịt “dây dợ” nối với những bịch nước, bịch thuốc. Ba lại ráng mỉm cười bảo “ba chỉ hơi mệt, không sao đâu, mấy đứa bây cứ yên tâm, đừng lo”. Phải! Chẳng lo gì cả khi chị em chị có ba trên đời. Dân gian có câu “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Nhưng ba “gà trống” của chị đã cho con, cháu một mái nhà ấm áp, là sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ bến. Để từ đó con, cháu biết yêu thương, là hành trang vững chãi để đi trong cuộc đời.

Phạm Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội

Đông đảo các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, các bạn trẻ trên địa bàn TP. Huế đã đến xem các bộ phim điện ảnh, tài liệu xoay quanh đề tài quân đội và người lính trong đợt phim Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Return to top