Hội thi “Gia đình hạnh phúc” năm 2018 do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức truyền tải thông điệp về giá trị của bữa cơm gia đình
Sum họp
Công việc của một giám đốc công ty xây dựng khá bận rộn, nhưng anh Hà Văn Trung (phường Trường An, TP. Huế) luôn dành thời gian về nhà ăn tối cùng vợ con. Thói quen này được anh duy trì từ ngày lập gia đình, đến nay cũng đã mười mấy năm. Con đi học bán trú, anh thường phải đi kiểm tra công trình không về được, trưa nào chị Nguyễn Thị Lan - vợ anh cũng ăn qua quýt cho xong bữa. Vì thế, với gia đình anh Trung – chị Lan, bữa cơm tối là thời gian cả nhà được quây quần bên nhau nên họ luôn thu xếp công việc để duy trì.
Anh Trung chia sẻ: “Dù bận rộn bao nhiêu, tôi cũng cố gắng thu xếp về ăn cơm cùng gia đình. Bởi, chỉ đến buổi tối cả nhà mới quây quần bên bàn ăn chuyện trò hàn huyên, nhất là hỏi han việc học tập hàng ngày của con, những chuyện vui buồn của tuổi học trò để chia sẻ, tư vấn. Hai đứa con trai đang tuổi lớn nên rất cần sự quan tâm kịp thời của bố mẹ. Nếu không có những phút sum họp quanh mâm cơm thì chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để chuyện trò”.
Đến giờ cơm, ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Kiều Loan và Võ Xuân Anh (thị xã Hương Thủy) luôn rộn vang tiếng cười. Bữa cơm sum họp của gia đình anh chị lúc nào cũng đầy đủ các thành viên: Ông bà, bố mẹ và các con nên ấm áp hẳn. Chị Kiều Loan tâm sự: “Dù tất bật với công việc nhưng cứ tới giờ cơm, các thành viên trong gia đình tôi đều cố gắng có mặt. Người về sớm nán chờ người về muộn để bữa cơm gia đình có sự hiện diện đầy đủ các thành viên. Tôi luôn dặn dò các con rằng, đợi nhau trong bữa cơm không hẳn chỉ vì chuyện ăn uống mà còn là chờ đợi một không gian ấm cúng bên người thân để cùng sẻ chia tình cảm, hưởng thụ những giây phút bình yên sau một ngày tất bật”.
Buôn bán ở nhà nên chị Kiều Loan có thời gian chăm chút cho bữa ăn, nấu những món ăn cha mẹ, chồng con thích. Không cầu kỳ nhưng chị luôn chọn, nấu sao cho hợp khẩu vị của cả nhà, vừa với túi tiền gia đình, lại sạch sẽ, ngon lành. Chị bộc bạch: “Trong bữa ăn, sự gắn kết gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ, như quan tâm gắp thức ăn cho nhau, hỏi han những chuyện diễn ra hàng ngày để chia sẻ, động viên, răn dạy... Điều đó sẽ gợi nhớ cho các con không khí yêu thương, sự chăm sóc ấm áp của cha mẹ. Từ nền tảng này, hướng cho các con sự hiếu thuận, chăm ngoan”.
Giữ bếp luôn ấm
GS. TS. Thái Kim Lan kể rằng, trong những ngày sống ở nước Đức xa xôi, điều làm bà nhớ da diết nhất là những bữa cơm gia đình. Trong đó, không chỉ có những món ngon mẹ nấu, mà còn là những phút giây quây quần đầm ấm bên người thân. Bà nhấn mạnh: “Bữa cơm gia đình là tâm điểm của đời sống. Sự âu yếm, chăm sóc của người mẹ và các thành viên trong mỗi bữa cơm là vị hạnh phúc mà mỗi đứa con luôn mong ước và hướng về”.
Bữa cơm gia đình không chỉ là dịp để giáo dục con cái, để mỗi thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn mà còn là dịp để mỗi người thể hiện tình cảm của mình. Mỗi món ăn ngon chính là tình cảm chăm chút của người vợ, người mẹ, người con dành cho người thân. Đó chính là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình ngày càng gắn bó bền chặt, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, không đơn thuần chỉ là ăn no, ăn ngon, bữa ăn gia đình là nơi đào luyện nề nếp, gia phong và hình thành dần nhân cách của con người. Bữa ăn duy trì sự gắn kết gia đình rất rõ, từ chuyện kính trên, nhường dưới, trách nhiệm tề gia nội trợ của người phụ nữ đến cách thể hiện sự quan tâm, xây dựng tình cảm gia đình.
Ngày nay, nhịp sống hiện đại, guồng quay của cuộc sống công nghiệp khiến bữa cơm vắng dần trong nhiều gia đình. Dù không phải là hiện tượng phổ biến ở Thừa Thiên Huế, nhưng nhiều gia đình trẻ đã không duy trì được bữa cơm do bận rộn. Cũng có những gia đình, hiếm khi cả nhà cùng đoàn tụ đầy đủ bên mâm cơm mà chỉ là những bữa cơm vội vàng để rồi ai lo việc nấy, ít có thời gian để ngồi hàn huyên, tâm sự, sẻ chia.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: “Nhịp điệu cuộc sống khiến nhiều gia đình không thể duy trì ăn trưa, thậm chí ăn tối cùng nhau. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thích ứng, tuy nhiên, dù gì đi nữa mỗi gia đình cần cố gắng duy trì bữa ăn gia đình. Nếu không có thời gian cũng cố gắng tận dụng ngày cuối tuần để duy trì bữa cơm sum họp gia đình đúng nghĩa truyền thống, từ đó duy trì nề nếp gia phong, sinh hoạt gia đình”.
Theo GS. TS. Thái Kim Lan, để duy trì bữa cơm gia đình, không chỉ cần sự cố gắng của người phụ nữ mà còn của tất cả các thành viên trong gia đình, khắc phục những bộn bề công việc, hạn chế sở thích cá nhân để dành thời gian về nhà ăn cơm. Đừng để bếp nguội lạnh, hãy giữ bếp luôn ấm - đó là lời khuyên của tất cả các chuyên gia tư vấn trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình.
Bài, ảnh: Minh Hiền