ClockThứ Năm, 02/05/2019 09:29

Kỳ dị… “mi tau”

TTH - Chồng hơn vợ cả chục tuổi, ăn ở với nhau đã có mấy mặt con và chúng đều đã đến tuổi học cấp 2 cấp 3 cả. Vậy nhưng, anh chồng vẫn giữ thói quen rất kỳ dị với vợ là bao giờ cũng “mi tau” trong xưng hô.

Tuyệt không có một tiếng anh-em ngọt ngào như thuở đang còn yêu nhau. Chị vợ buồn, nhưng nghĩ ván đã đóng thuyền, muốn yên nhà yên cửa nên đành nín lặng. Ra đường hoặc đi chơi với bạn bè cùng trang lứa, thấy vợ chồng người ta quấn quýt, anh anh mình mình mà thèm.

Rồi đến một hôm, để ý mấy đứa con khi nói chuyện cũng mày tao chi tớ, đứa lớn kêu đứa nhỏ cũng ừ, không thấy dạ thưa, chẳng nghe anh, nghe chị, chị mới chột dạ. Định mắng con nhưng kịp dừng lại. Thầm nghĩ, có lẽ chúng nó nhìn bố mẹ và tập nhiễm với lối xưng hô của bậc sinh thành… Chị vào phòng lén lau nước mắt. Chợt nghe lòng hẫng hụt và mênh mông buồn…

Sáng hôm ấy, đợi mấy đứa con đi học cả, chị mới bảo chồng: “Anh này, sao là vợ chồng, anh cũng hơn em đến chục tuổi mà xưng hô kỳ cục quá, lúc nào cùng mi tau nghe rất chối. Trước thì sao cũng được, em không chấp. Nhưng nay con mình đã lớn cả rồi, chướng với chúng lắm. Mà hình như chúng cũng đã nhiễm thói quen mi tau của anh rồi đó. Em nghĩ anh nên sửa đi. Còn không, từ nay em cũng “mi tau” với anh thì chớ trách…”. Vẻ căng thẳng, chị làm một thôi khiến anh chồng hết sức bất ngờ và không kịp phản ứng. Mặt nghệt ra, gãi gãi cái đầu buổi sáng còn chưa chải. Chị dắt xe đi làm trong lúc anh ngượng nghịu giúp vợ mở cổng.

Bây giờ thì chị đang nửa ấm ức nửa hào hứng trút bầu tâm sự với bạn bên ly cà phê sáng. Mấy người bạn nghe chị kể ai nấy đều gật gù, khen chị phản ứng như vậy là quá đúng. Nhưng họ bảo chị cũng nên bình tĩnh, đừng quá căng thẳng. Có thể chồng chị không phải lỗ mãng mà đơn giản là vì thói quen. Mà thói quen thì không thể nói cái là sửa ngay được. Phải cho anh ấy thời gian, và đừng quên nhắc nhở, khuyến khích để anh ấy chuyển dần…

Tôi mỉm cười, thấy vui vui bởi đầu ngày vô tình được nghe một câu chuyện thú vị.

Hàn Yên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top