ClockThứ Năm, 14/03/2024 13:52

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng

TTH - Giữa thời buổi công nghệ phát triển, việc tách con khỏi các thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vậy, thu xếp thời gian và công việc để đưa con đến trải nghiệm thực tế tại các không gian mỹ thuật là việc được nhiều cha mẹ quan tâm.

Trải nghiệm ngày giãn cách“Chill” cùng nông trại

 Trẻ em trải nghiệm vẽ tranh giữa không gian bên bờ sông Hương

Dù công việc bận rộn nhưng hàng tuần, chị Phạm Thị Thanh Dương (phường An Tây, TP. Huế) vẫn sắp xếp thời gian để đưa con đến với các không gian trải nghiệm về mỹ thuật. Chị Dương chia sẻ: “Cuối tuần, tôi và chồng sắp xếp công việc, luân phiên nhau đưa các con đến bên bờ sông Hương, tạo cho con không gian để con được vẽ tranh, sáng tạo theo ý thích. Đây là cách gia đình tôi tách các con ra khỏi những chiếc ti vi, máy tính, điện thoại thông minh... Hơn nữa, còn giúp cho con tránh khỏi một lối sống thụ động. Thấy con rất thích thú ngồi say mê hàng giờ đồng hồ với tác phẩm của mình mà không chán khiến tôi rất vui”.

Anh Thanh Út, trú phường Trường An, TP. Huế bảo rằng, những không gian trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ có điều kiện khám phá cuộc sống, đồng thời, khơi dậy, phát hiện những kỹ năng dường như tiềm ẩn trong bản thân mỗi đứa trẻ mà phụ huynh không thể phát hiện. “Tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên đăng ký cho các con tham gia hoạt động ở các trung tâm, hoặc tạo thêm nhiều không gian như đàn, hát, hay vẽ tranh... để khơi dậy niềm yêu thích với nghệ thuật, với thiên nhiên nói chung, vừa tạo cơ hội để các con gắn kết bạn bè, tận hưởng những giá trị hạnh phúc trong cuộc sống”, anh Út nói.

Nắm bắt được nhu cầu thực tế, thời gian qua, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, Nhà Thiếu nhi Huế, Thư viện Tổng hợp tỉnh… đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho trẻ em, tạo không gian để trẻ có thể hòa mình vào nghệ thuật. Các hội thi vẽ tranh, đàn hát về các chủ đề khác nhau, như “Vầng trăng cổ tích”, “Vì một đại dương xanh”, “Huế và áo dài trong mắt trẻ thơ”… Với nhiều nội dung và hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, phương pháp học tập thông qua trải nghiệm đã nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh cũng như học sinh.

“Tôi từng cho con tham dự Hội thi vẽ tranh “Vầng Trăng cổ tích”. Đây là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật, bổ ích và giúp cho các em hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày tết Trung thu ở Việt Nam. Ngoài ra, con tôi cũng có cơ hội để thể hiện năng khiếu hội họa của mình”, chị Hải Yến (phường Phú Hội, TP. Huế) chia sẻ. 

Hiện nay, việc chăm lo đời sống tinh thần của trẻ em không chỉ là mối quan tâm của mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Thực tế cho thấy, thông qua các hội thi về vẽ tranh, ca hát, nhiều tài năng đã được phát hiện, bồi dưỡng. Chính vì vậy, tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi trải nghiệm bổ ích, phong phú, đa dạng sẽ giúp các em phát triển toàn diện, hoàn thiện các kỹ năng mềm.

Bài, ảnh: Lương Ngọc An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Phát triển du lịch tâm linh ở Huế

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngành du lịch địa phương đang nỗ lực gắn kết với các ngành để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Phát triển du lịch tâm linh ở Huế

TIN MỚI

Return to top