ClockChủ Nhật, 03/12/2023 12:39

Tranh thêu xương lá

TTH - Trên những đường xương lá bồ đề trắng ngà, từng đóa hoa, con chữ với sắc màu tươi tắn dần dần hiện ra. Với người khác là đôi bàn tay và tay nghề khéo léo. Nhưng với chị Hà, khi một bên tay không may bị khiếm thuyết, sự tài hoa của từng đường kim mũi chỉ dồn hết vào bàn tay còn lại.

Mê mẩn tranh thêu

Sự đặc biệt của chất liệu đòi hỏi bàn tay khéo léo, kỳ công của người thêu 

Kỳ công

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hà khi kể với chúng tôi về hành trình chinh phục những bức tranh thêu trên xương lá. Bởi khác với chất liệu vải thông thường, kết cấu từ các sợi vải khi được căng lên khung sẽ tạo nên độ căng cần thiết. Khi thêu sẽ dễ dàng rút chỉ, tạo hình.

“Nhưng với chiếc xương lá bồ đề mỏng manh, tôi không thể căng lá lên trên bề mặt nào khác nên chỉ có thể cầm trên tay. Bởi thế, không chỉ độ khó của các chi tiết thêu, để các đóa hoa, con chữ trên xương lá sống động, hài hòa, tỉ mỉ, cẩn thận và thật kiên nhẫn là đức tính không thể thiếu”, chị Hà chia sẻ.

Khác với vải, chất liệu mà tùy vào chi tiết, chị Hà có thể chập 3 - 4 sợi chỉ thêu trên mỗi đường kim, để thêu trên xương lá, chị Hà chỉ có thể dùng 1 sợi chỉ duy nhất. Chị phân tích: “Số lượng chỉ nhiều sẽ làm tăng áp lực, ma sát lên xương lá, nếu mạnh tay một chút thôi thì xương lá đã rách gãy rồi. Không chỉ thế, họa tiết sau khi thêu cũng không sắc sảo nếu “tham” chỉ nhiều, thêu nhanh. Tỉ mỉ từng đường chỉ sẽ giúp họa tiết trên xương lá chân thực và nổi hẳn lên, giúp nâng tầm cho chiếc lá”.

 Quà lưu niệm với lời chúc bình an

Kinh nghiệm với nghề thêu đã hơn 10 năm, nghiên cứu và tìm tòi cách chinh phục sản phẩm tranh thêu trên xương lá đã hơn 1 năm nay. Với chị Hà, hành trình này không chỉ để tạo nên một sản phẩm mới mà còn khám phá bản thân mình. Vì cùng với việc nâng cao tay nghề thêu mỗi ngày, chị còn học cách làm xương lá bồ đề từ những chiếc lá còn tươi. Hiểu thật sâu với vật liệu nền khi thêu giúp chị tạo nên những bức tranh thêu trên xương lá ấn tượng.

Những ước mong

Anh Trần Văn Tuân, khách hàng mua tranh thêu trên xương lá cho biết: “Biết đến tranh của chị Hà, tôi đã mua 4 chiếc lá bồ đề thêu chữ bình an và những đóa hoa để gửi sang người thân ở Mỹ. Màu sắc và đường kim tỉ mỉ giúp chiếc lá nổi bật, những hình thêu cũng làm cho đường xương gân lá thêm đẹp. Người thân của tôi đều rất quý những chiếc lá độc đáo này từ quê nhà và luôn treo trong xe để mong may mắn khi đi học, đi làm”.

Không chỉ dùng làm vật may mắn, trang trí trên xe, những bức tranh thêu từ lá bồ đề có thể dùng làm quà lưu niệm, ốp điện thoại, sản phẩm trang trí cho nhà hàng, khách sạn, nhà ở. Mỗi bức tranh thêu có giá từ 100 đến vài trăm nghìn đồng hoặc cả tiền triệu tùy kích cỡ xương lá và độ khó của các chi tiết thêu. Chị Hà nói: “Hiện nay, khách đặt hàng yêu chuộng nhất là dòng tranh thêu chữ, hoa hoặc các loài động vật. Để đa dạng thêm mẫu mã, tôi đã nhuộm xương lá để tạo nên các màu nền, từ đó phù hợp hơn với nhiều màu chỉ thêu khác nhau”.

Thông thường, mỗi chiếc xương lá, chị Hà mất tầm một tháng ngâm và “giặt” lá. Sau khi làm khô, chị sẽ phác thảo mẫu và hoàn thành tranh thêu trong 2 – 5 ngày. Với những sản phẩm phức tạp, độ khó cao, thời gian thêu tranh có thể tính bằng tuần.

Là hội viên của Câu lạc bộ Phụ nữ Khuyết tật tỉnh, không chỉ tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2023, với mong muốn hướng dẫn thêm cho nhiều chị em phụ nữ biết đến bộ môn này, chị Hà đã chia sẻ kỹ nghệ thêu trên xương lá cho các học viên của mình. Tuy nhiên, với sự kỳ công, tỉ mỉ và yêu cầu cao ở tính kiên nhẫn, vẫn chưa có học viên nào chinh phục được sản phẩm này.

Chị Nguyễn Thị Hà cho biết: “Bởi thế, cùng với việc tìm thêm cách bảo dưỡng cho tranh bằng các kiểu ép plastic, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển dòng tranh thêu này để không chỉ mang đến thị trường thêm một sản phẩm thêu khác biệt, nhiều chị em phụ nữ khác cũng sẽ có thêm lựa chọn để phát triển nghề, từ đó kiếm thêm thu nhập, ổn định sinh kế”.

Bài, ảnh: Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cống hiến thầm lặng

Suốt 6 ngày đêm diễn ra Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, lực lượng làm nhiệm vụ, đội ngũ kỹ thuật, công nhân thi công của các đơn vị đã có những đóng góp thầm lặng để góp phần làm nên thành công cho các chương trình.

Những cống hiến thầm lặng
Được gặp thần tượng

Lễ hội Bia phải đến 16 giờ 30 phút mới diễn ra, nhưng từ đầu giờ chiều, mấy bạn sinh viên gần chỗ tôi ở đã “lên đồ” để chuẩn bị đi gặp thần tượng. Các em bảo: “Đi sớm lựa chỗ để gặp ca sĩ Hiếu Thứ Hai”.

Được gặp thần tượng
Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ

56 tác phẩm rồng được chế tác tinh xảo bằng gốm qua bàn tay của nghệ nhân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội) đã được giới thiệu đến công chúng trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ
Nine Family "cháy" hết mình cùng điệu nhảy sôi động

Trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, tối 11/6, khán giả ở sân khấu Bia Quốc Học đã được hòa mình vào không khí sôi động của âm nhạc cùng nhóm nhảy Nine Family cùng với những nhóm nhạc, nhóm nhảy đến từ trong nước và quốc tế.

Nine Family cháy hết mình cùng điệu nhảy sôi động

TIN MỚI

Return to top