Anh Lê Văn Hợi (thứ 2, phải sang) cùng ngư dân Nguyễn Vang (ngoài cùng bên trái) và các bạn thuyền lao động biển
Tết đoàn viên
Vừa trở về từ vùng biển Hawaii (Hoa Kỳ) sau một năm dài đằng đẵng “theo đuôi con cá”, ngư dân Lê Văn Hợi (50 tuổi, thôn Tân Cảng, thị trấn Thuận An), cứ tất bật vào ra ngắm căn nhà khang trang- là công sức sau 7 năm anh theo nghiệp biển ở xứ người. Anh Hợi bảo, tết về, mấy năm ở bên kia, ước mơ duy nhất khi lênh đênh trên con thuyền giữa trùng khơi là… được ngồi bên bếp lửa nấu bánh chưng cùng gia đình...
7 năm trước, anh Hợi cùng nhiều ngư phủ ở Phú Vang “xuất ngoại” đi đánh cá ở xứ người thông qua một công ty xuất khẩu lao động ngoài Hà Nội. Anh đầu quân cho một chủ tàu người Việt ở Hoa Kỳ.
“Nghe tiếng Hoa Kỳ có vẻ xa xôi, cứ ngỡ sẽ là những tháng ngày xa cách trùng khơi. Không ngờ, ở đảo Hawaii lại là nơi có hàng trăm lao động người Việt, trong đó có hàng chục lao động theo các chủ tàu cá- vốn là ngư dân ở xã Vinh An (Phú Vang)", anh Hợi kể.
Ngư dân Lê Văn Hợi với nghề đánh cá ngừ đại dương ở đảo Hawaii, Hoa Kỳ
Anh Hợi đi bạn cho một chủ tàu ở xã Vinh An, trên tàu công suất 550CV có hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt, vừa sản xuất vừa sơ chế, bảo quản. Tàu đi câu cá ngừ, cá thu một tháng mới cập cảng một lần, gần chục lao động đều sinh hoạt trên tàu. “Mỗi độ tết đến xuân về, chủ tàu tổ chức cho lao động vui chơi trên tàu đón tết. Lúc đó cũng có bánh chưng, kẹo mứt nhưng chưa bao giờ mình thấy ngon như cái bánh chưng ở quê nhà”, anh Hợi bộc bạch.
Nhờ cần mẫn lao động ròng rã 7 năm trời với nghề bủa câu cá ngừ đại dương và phụ lái tàu, thu nhập anh Hợi bình quân mỗi tháng dao động từ 1.000-2.000USD. Nếu “trúng vụ”, làm siêng năng sẽ được chủ tàu thưởng thêm. Sau nhiều năm bám biển xứ người, anh Hợi đã xây dựng được nhà cửa và nuôi 3 con ăn học.
Mới trở về nhà trong mấy tháng nay, ngày giáp tết, ngư dân Nguyễn Vang (thôn Tân Cảng) rộn ràng sửa soạn một cái tết đầm ấm bên gia đình. Cũng như nhiều ngư dân theo ngư nghiệp ở xứ đảo Hawaii, 6 năm trước, anh Vang “gác chèo” để thực hiện ước mơ chinh phục biển cả.
Anh Vang cùng hàng chục lao động biển ở Phú Vang đã sang “đầu quân” cho những chủ tàu ở Huế, Phú Yên, An Giang làm chủ tàu ở nước ngoài. Không chỉ hoạt động đánh bắt, người Việt ở xứ đảo này tham gia vào các hoạt động hậu cần nghề cá với những cửa hàng, trạm xăng lớn cung cấp cho các tàu cá của người Việt và ngư dân sở tại.
Giấc mơ làng biển
Nhớ lại chặng đường xa ở xứ người, anh Lê Văn Hợi bảo, đó là hành trình gian nan mà nếu không có động lực là vợ con ở quê nhà đang mong ngóng thì anh khó lòng vượt qua.
Vốn không phải là ngư dân, anh Hợi bước vào nghề biển chỉ “tay ngang” nên mọi thứ đều phải học hỏi từ đầu. Học thích nghi để không say sóng, học móc câu, học sử dụng thiết bị điện tử trên tàu. Nghề thả lưới câu cá ngừ, cá thu rất khắc nghiệt, làm việc từ 18-20 tiếng mỗi ngày. Qua xứ biển, anh Hợi mới mở mang tầm mắt với công nghệ đánh bắt hiện đại, trên những con tàu được trang bị đầy đủ thiết bị từ máy dò cá, dự báo bão và thiết bị cứu sinh.
Do ngư dân không có visa nhập cảnh vào Mỹ, chỉ hợp đồng từ mép nước trở ra nên quanh năm suốt tháng các lao động làm việc và sinh hoạt trên biển, chỉ trường hợp đau ốm mới được đưa lên bờ chữa trị.
Anh Hợi tâm sự: “Mới qua vài tháng đầu, mình không chịu nổi, định xin về. Nhưng rồi, anh em người Huế động viên nhau; làm riết rồi cũng quen”.
Điều những ngư dân như anh Hợi, anh Vang đang ấp ủ là làm sao có trong tay những con tàu sắt, được trang bị ngư cụ, máy móc hiện đại. Đầu tiên khi đặt chân đến xứ đảo khiến anh ngỡ ngàng là những vàng lưới bủa câu cá ngừ đại dương dài đến 42 hải lý với hơn 12.000 lưỡi câu. Trên tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị dò cá, hệ thống liên lạc bằng tần sóng ngắn và hệ thống định vị, phao cứu sinh có thể giúp ngư dân duy trì sự sống trong 7 ngày khi xảy ra sự cố.
Nhiều ngư dân người Việt tại đảo Hawaii cho biết, hiện tại có khoảng 200 lao động là người các địa phương trên cả nước đang làm việc tại đây. Trong đó, Thừa Thiên Huế có khoảng 20 lao động chủ yếu “đầu quân” phục vụ cho các chủ tàu của người Việt ở Vinh An, Vinh Hưng, TP. Huế.
|
Ước mơ của anh Hợi, anh Vang cũng là ước mơ của nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh. Đó là được cầm lái, vung lưới trên những con tàu sắt trị giá 60.000-100.000USD, công suất bình quân từ 350-1.000CV được trang bị các thiết bị hiện đại mà các anh đã được học và vận hành.
“Nhà nước tạo điều kiện, ngư dân có thể sắm tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 để bám biển ở quê nhà. Hiện nay, ngư nghiệp với nhiều loại hình đánh bắt mới, hiệu quả nếu biết đầu tư sẽ thành công. Mình cũng tích lũy được một số vốn, vẫn có ước mơ là được đánh bắt ở vùng biển quê nhà”, anh Hợi trải lòng.
Không chỉ muốn duy trì nghề biển, hơn một năm trước, ngư dân Nguyễn Vang còn chế biến mắm thô ngay tại nhà. Hiện tại, anh đã đầu tư một số thiết bị và đang tìm nguồn vốn để xây dựng cơ sở sản xuất một số mẻ cá ủ mắm. “Mình muốn thông qua các quỹ vay vốn tại địa phương cùng với số tiền mình gom góp bấy lâu để xây dựng cơ sở, phát triển nghề làm mắm. Nghề biển phải gắn với dịch vụ hậu cần, tiểu thủ công nghiệp mới bền vững”, anh Vang bày tỏ.
Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Thuận An thông tin, hiện ở địa phương có gần 10 lao động đi làm nghề biển ở nước ngoài. Những hộ gia đình này nhờ lao động biển mà kinh tế gia đình khá giả, thu nhập ổn định. Nếu đầu tư cho nghề biển ở quê nhà thì những ngư dân này sẽ thuận lợi bởi họ có nguồn vốn, kinh nghiệm cũng như sự tiếp cận công nghệ đánh bắt hiện đại với nhiều loại hình mới.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN