ClockThứ Sáu, 30/08/2019 14:10

Tuyên truyền tốt, dân đồng thuận

TTH - Quá trình triển khai việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã ở huyện A Lưới được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động tốt, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Lấy người dân làm chủ thể, đảm bảo đời sống dân sinh - Kỳ 3: Đồng thuận phục vụ người dânTạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân

Trưng cầu dân ý tại xã A Đớt về việc sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm

Lắng nghe  

A Lưới có 3 xã gồm: A Đớt, Hồng Quảng và Bắc Sơn chưa đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Do đó, phương án cụ thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở huyện là sẽ sáp nhập xã A Đớt (có diện tích 16,58km2, dân số 2.403 người) với xã Hương Lâm (có diện tích 51,28km2, dân số 2.208 người) lấy tên mới là xã Lâm Đớt. Sáp nhập xã Hồng Quảng (có diện tích 5,39km2, dân số 2.225 người) với xã Nhâm (có diện tích 37,85km2, dân số 2.302 người) lấy tên mới là Quảng Nhâm. Sáp nhập xã Bắc Sơn (có diện tích 10,34km2, dân số 1.242 người) với xã Hồng Trung (có diện tích 67,40km2, dân số 2.053 người) lấy tên mới là Trung Sơn. Triển khai chủ trương này, các cấp, ngành và địa phương liên quan của huyện A Lưới nhanh chóng bắt tay tổ chức quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách, tiến hành trưng cầu ý dân về việc sáp nhập các xã trên địa bàn.

Kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại 6 thôn của xã A Đớt về việc sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm, tỷ lệ phiếu tán thành chỉ đạt 38,6%, chưa đạt quá bán theo quy định. Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu lập tức tổ chức buổi làm việc với 45 đại biểu là đại diện các già làng, người có uy tín, lãnh đạo xã qua các thời kỳ, bí thư chi bộ, trưởng thôn, lãnh đạo xã A Đớt về vấn đề này.

Nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến chưa đồng tình bởi lo lắng, băn khoăn về các vấn đề phong tục, tập quán bị xáo trộn; mất quyền lợi về chế độ, chính sách; các thủ tục giấy tờ tùy thân phải làm lại phức tạp, rườm rà…

Ông Hồ Văn Bai, người có uy tín ở thôn La Tưng, xã A Đớt cho rằng, xã Hương Lâm và xã A Đớt có người dân là hai dân tộc khác nhau, lịch sử và truyền thống văn hóa khác nhau, sau khi sáp nhập không biết sẽ như thế nào?

Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu hoan nghênh tinh thần thẳng thắn, trung thực, mang tính xây dựng của các đại biểu; đồng thời khẳng định, việc sáp nhập xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần phải thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021 và những năm tiếp theo. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ không ảnh hưởng về chế độ chính sách, phong tục tập quán của bà con nhân dân. Việc này chỉ nhằm tổ chức lại các đơn vị phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển.  Đồng thời, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, tinh giản biên chế và thực hiện tốt chính sách tiền lương…

Được giải đáp thông suốt nên các già làng, người có uy tín ở các thôn của xã A Đớt bày tỏ đồng tình và thể hiện sự nhất trí, tin tưởng. Già làng Nguyễn Minh Sang ở thôn A Tin chia sẻ: Được giải thích rõ về chủ trương sáp nhập xã, chúng tôi rất ủng hộ và sẽ tích cực vận động bà con thực hiện nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng bào sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng để cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Tạo sự đồng thuận

Thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện, Ban Chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện A Lưới cũng đã chia thành các Tổ chỉ đạo xã Hồng Quảng - Nhâm và Tổ chỉ đạo xã Bắc Sơn – Hồng Trung trực tiếp về cơ sở để chỉ đạo và nắm tình hình công tác sáp nhập.

Sau khi tổ chức quán triệt cho cán bộ chủ chốt các xã, Ban Chỉ đạo và các Tổ giúp việc mỗi xã đã về tận thôn để họp dân, quán triệt, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện. Nhờ thông suốt từ đường lối, chính sách đến lộ trình thực hiện, đại đa số bà con các xã đã đồng tình ủng hộ, nhất trí với phương án sáp nhập đề ra.

Chủ tịch UBND xã Nhâm Phạm Minh Cải cho hay: Các Tổ chỉ đạo đã trực tiếp về các xã để nắm tình hình kết quả cử tri bỏ phiếu và đôn đốc, chỉ đạo các địa phương hoàn thành sớm việc tổng hợp kết quả, báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo huyện; đồng thời, chỉ đạo công tác tổ chức kỳ họp HĐND bất thường của xã để thông qua phương án sáp nhập và báo cáo kết quả kỳ họp theo quy định.

Đến đầu tháng 8, các xã liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri với tỉ lệ phiếu đồng ý: Hồng Quảng đạt 96,93%, Nhâm đạt 78,5%; Bắc Sơn đạt 98,89%, Hồng Trung đạt 94,4%; Hương Lâm đạt 89,63%, A Đớt đạt 74,2%. HĐND các xã đã tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. UBND huyện đã hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 trình HĐND huyện, và tại kỳ họp bất thường lần thứ II, HĐND huyện khóa XI đã thông qua đề án này.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội

Chiều 9/12, Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Trường tiểu học Thuỷ Xuân (TP. Huế) tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 60 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế với hơn 800 người tham gia.

Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội
Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”

Sáng 9/12, đoàn xe tuyên truyền của các huyện Phú Lộc, Nam Đông, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức diễu hành chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế (15/12/1964 - 15/12/2024).

Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”
Return to top