ClockThứ Năm, 02/12/2021 07:30

Ước nguyện được gặp mẹ của cô tân thủ khoa

TTH - “Con sẽ đi tìm mẹ, con hứa đó” - người nói câu này là Lê Thị Thanh Nhàn - được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh (phường An Hòa, TP. Huế), tân thủ khoa ngành Công tác xã hội - Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế.

Thủ khoa đầu vào Trường đại học Nghệ thuật đạt 23,5 điểmTặng hàng trăm vé máy bay cho thủ khoa đầu vào đại học, cao đẳng

Cô tân thủ khoa Lê Thị Thanh Nhàn ước nguyện sẽ có công việc, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: N.L

Những ngày này với Nhàn, cảm xúc rất đặc biệt. Rất vui, nhưng còn đó cũng không biết bao nhiêu buồn thương. Ký ức về những ngày cùng người mẹ mắc chứng thần kinh không bình thường lang thang, phiêu bạt vẫn như vừa mới hôm qua. Cho đến một ngày, người mẹ ấy đã bỏ Nhàn lại mảnh đất này không một lời từ biệt.

Đoạn trường gian truân

“Nhưng đối với em được sinh ra trên cõi đời này là niềm hạnh phúc lớn nhất. Dù mẹ có ra sao thì em vẫn yêu mẹ của mình”, cô gái tuổi 18 có khuôn mặt tròn, phúc hậu rưng rưng. Nhàn kể, quê mẹ ở Hải Lăng, Quảng Trị. Hơn chục năm trước, ba mẹ đưa Nhàn cùng chị gái vào sống ở Đà Nẵng. Cuộc sống bất hạnh, sau những cuộc rượu bí tỉ, ba đánh đập cả nhà. Những trận đòn roi cứ thế dồn dập, cho đến một ngày không chịu đựng được, mẹ đã bế Nhàn ra đi trên chiếc xe đạp cũ kỹ.

Hai mẹ con đi dọc đường, đêm tối gặp nhà nào thì xin ở lại qua đêm. Người tốt bụng cho ở lại, người không thích thì đuổi đi. Có lúc phải tìm đến những ngôi nhà bỏ trống để ngủ tạm. Đó là những ngôi nhà tối và lạnh.

“Mẹ à! Con còn nhớ như in đêm đó mẹ đã không ngủ mà ngồi thức, vừa canh đồ đạc và vừa ấp con vào lòng, cho con đủ ấm để quên đi cái lạnh. Rồi hai mẹ con cũng lang thang như vậy cho đến một ngày mẹ nói hai mẹ con ra đến Huế rồi. Mẹ và con vẫn tiếp tục hành trình ngày lượm ve chai, rồi đêm xin ngủ nhờ mái hiên nhà người khác hoặc công viên...”, Nhàn nhớ như in những gì đã trải qua.

Hành trình rong ruổi cứ thế cho đến một ngày mùa đông, sau khi thức giấc ở một góc chợ Đông Ba dưới cái rét lạnh căm. Vừa mở mắt, mấy chục ngàn đồng trong túi người mẹ không cánh mà bay. Bà gào thét trong uất ức vì đó là một gia tài quá lớn đối với bà. Lúc này, chứng bệnh thần kinh tái phát, người mẹ chạy khắp nơi để tìm kẻ trộm.

“Mẹ dặn em đứng trước cổng chợ chờ mẹ. Nhưng đợi cả ngày không thấy mẹ quay lại. Em ngủ thiếp đi, sau đó được các chú xe ôm, xích lô cho thức ăn rồi đưa đến Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh”, Nhàn kể cánh cửa cuộc đời cô thay đổi từ đó.

Chọn ngành học “cần sự thấu hiểu”

Những ngày đầu ở nơi mới dù được nâng đỡ, chăm sóc tận tình nhưng với Nhàn thật sự không dễ dàng chút nào. Cô gái nhỏ nhớ mẹ đã khóc rất nhiều. Ngày được trung tâm cho đi học, biết hoàn cảnh, chúng bạn trêu chọc “đồ mồ côi” khiến Nhàn nức nở, tính chuyện bỏ học.

Nhờ sự động viên của các cô chú trong trung tâm và chính nghị lực của cô gái nhỏ nhắn này đã vượt qua tất cả để bước tiếp. Những năm tháng ở trường, Nhàn luôn cố gắng vượt qua sự rụt rè, mặc cảm để đạt nhiều danh hiệu trong học tập cũng như tham gia nhiều phong trào của trường lớp.

Chính những sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy đã giúp Nhàn chạm được giấc mơ, đó là đậu thủ khoa ngành Công tác xã hội - Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hôm khai giảng, Nhàn được trường trao giấy khen và tặng thưởng 1 triệu đồng. Cầm tiền thưởng trong tay, người đầu tiên Nhàn nhớ về là mẹ và nói muốn dùng số tiền đó để mua tặng mẹ một bộ áo dài. “Con đoán là mẹ sẽ vui lắm, như cảm xúc của cô bé 5 tuổi được mẹ mua cho bộ váy hồng năm nào. Mẹ à! Con sẽ vừa học, vừa xin đi làm thêm và vừa đi tìm mẹ. Con muốn được ở bên mẹ một lần nữa, con hứa đó!”, Nhàn ao ước.

Để có được như ngày hôm nay, Nhàn nói rằng không thể kể hết công lao to lớn của các cô chú trong trung tâm. Chính các cô chú là nguồn động lực và là những người giáo dục, giúp em vững bước. Nói về lý do chọn ngành công tác xã hội thay vì những ngành khác, Nhàn bảo đó là ngành học “cần sự thấu hiểu” để sau này có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khác như mình, bất kể đó là ai.

“Em mong 5 - 10 năm tới sẽ được làm việc trong tổ chức, dự án nào đó liên quan đến giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như trẻ mồ côi, người khuyết tật, vô gia cư… Em nghĩ giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình, bởi sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình”, Nhàn ước nguyện. Hiện ngoài việc học, Nhàn còn phụ các cô, chú trong trung tâm phụ việc nhà, nấu ăn và dạy các em nhỏ hơn mình.

Cô Đỗ Lê Phương Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh kể rằng, khi hay tin Nhàn đạt điểm số khá cao, mọi người trong trung tâm đã định hướng cho em theo một ngành học khác với nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi ra trường. Tuy nhiên, Nhàn đã quyết định theo học ngành Công tác xã hội để theo đuổi ước nguyện của chính mình. “Nhàn là người cương quyết và tự tin với năng lực của mình. Vì thế chúng tôi luôn tôn trọng ước mơ đó và mong sớm thành sự thật”, cô Mai tin tưởng.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Return to top