ClockThứ Tư, 09/06/2021 06:19

Vấn nạn bạo lực ở các gia đình trẻ

TTH - Trong xu thế hội nhập, gia đình trẻ có nhiều cơ hội để khẳng định mình nhưng dễ phát sinh các xung đột và xa hơn nữa là bạo lực gia đình.

Từ 1/6, nhiều chính sách mới có liên quan đến an sinh xã hội sẽ có hiệu lựcMái ấm không bạo lựcĐẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình

Tiểu phẩm về bạo lực gia đình tại diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói 2021 (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

“Tôi không dám to tiếng hay phàn nàn gì với chồng. Chồng tôi xem việc tát tôi như chuyện gì đó rất bình thường. Cuộc sống hôn nhân không như tôi hằng mơ ước, nhưng tôi chấp nhận vì con cái và cũng là vì tôi đã chọn”, tâm sự của chị N.T.H.V ở Quảng Điền. Không chỉ chị N.T.H.V, nhiều người phụ nữ cũng đang chấp nhận bị bạo hành khi sống chung với chồng và họ cứ âm thầm chịu đựng vì lý do gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Võ Thị Phương Thảo (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Dũng Hà (Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế), bạo lực gia đình có xu hướng phổ biến ở các gia đình trẻ. Đối tượng bị bạo hành chủ yếu là nữ giới, chiếm tới 91,2% và rơi vào độ tuổi từ 22 đến 43. Bạo lực gia đình phổ biến nhất là bạo lực tinh thần (94,4%), tiếp đến là bạo lực thể xác (52,9%), bạo lực kinh tế (21,5%) và bạo lực tình dục (18,1%). “Không chỉ riêng bạo hành về mặt thể xác và tình dục; bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế khó nhận biết hơn nhưng lại thường xuyên gặp phải, và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt”, bà Võ Thị Phương Thảo, Trưởng ban Xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhấn mạnh.

Tình trạng bạo lực kinh tế chủ yếu đến từ việc người vợ hoặc chồng không làm chủ được nguồn thu nhập mình kiếm được hoặc bị giới hạn phát triển công việc gây nên tình trạng bấp bênh, thiếu hụt và phụ thuộc về kinh tế. Anh M.T.H. (TP. Huế) chia sẻ: “Vợ tôi thường than phiền về mức lương của tôi thấp, không đủ trang trải cho cả gia đình. Cô ấy luôn so sánh mức thu nhập của tôi với chồng của bạn khiến tôi thấy khó chịu và áp lực. Nhưng thực tình tôi chưa tìm ra cách nào để tăng thu nhập”. Các bạo lực tinh thần thường đến với nam giới do xuất phát từ vai trò “trụ cột” theo quan điểm xã hội. Khi người chồng có công việc và thu nhập thấp, người vợ thường đưa ra những lời lẽ khó nghe và liên tục so sánh họ với những người khác, khiến họ luôn sống trong trạng thái căng thẳng, tự ti và mặc cảm.

Theo bà Thảo, những khác biệt về văn hóa, ứng xử; những tranh cãi trong chăm sóc con cái, khó khăn trong kinh tế, chồng thường xuyên say xỉn là những nguyên nhân chính gây nên bạo lực gia đình. Trong bối cảnh xã hội thay đổi, việc chênh lệch thu nhập và sự khác biệt trong nghề nghiệp giữa chồng và vợ cũng gây ra những tình huống bạo lực không mong muốn. “Nhìn chung, sự thiếu đồng cảm giữa vợ và chồng là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình và điều này cần nhiều hơn sự tham gia của các chương trình giáo dục để giúp cho các gia đình trẻ nhìn nhận tốt hơn về vai trò của người chồng, người vợ, là cha mẹ trong xây dựng gia đình hạnh phúc”, bà Thảo cho hay.

Hậu quả của những bạo hành trong gia đình chính đa số bắt nguồn từ hiệu quả công việc của nạn nhân bị giảm sút do họ không đủ sức khỏe và bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần để tập trung làm việc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải xin nghỉ làm và cần đến sự chăm sóc của các cơ sở y tế. Thậm chí, hơn 54% người bị bạo hành có ý định ly hôn để không sống cùng đối tượng gây bạo lực cho mình.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, trẻ em chính là bộ phận dễ bị tổn thương nhất bởi các bạo lực gia đình. “Nhiều phụ huynh phản ánh con họ học hành sa sút do thường xuyên nhìn thấy cảnh bạo lực gia đình và cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đễn hư hỏng và phạm tội. Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất, tổn thương về tâm lý, tinh thần. Những trẻ em này cũng dễ dàng gây ra bạo lực với người khác và có thể cũng là thủ phạm của vấn nạn bạo lực gia đình sau này”, bà Hòa chia sẻ.

Nhìn chung, sự phát triển nhiều mặt của kinh tế xã hội và tiến trình giao thoa văn hóa truyền thống – hiện đại tạo ra nhiều áp lực, dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn trong ứng xử và gây nên bạo lực trong các gia đình trẻ ở Thừa Thiên Huế. Để hạn chế bạo lực, các gia đình trẻ cần tìm kiếm sự đồng cảm trong nhiều khía cạnh đời sống gia đình, dành nhiều thời gian cho nhau, quan tâm, thông cảm và thấu hiểu nhau hơn...

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Cùng ngăn chặn bạo lực gia đình

Bên cạnh những gia đình luôn tôn trọng, lưu giữ giá trị tốt đẹp từ lễ nghi cho đến các mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, sự hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Đó được xem như là vấn nạn nghiêm trọng.

Cùng ngăn chặn bạo lực gia đình

TIN MỚI

Return to top