ClockThứ Năm, 13/12/2018 18:30

Về với vùng lũ

TTH.VN - Trong màn mưa “vuốt mặt không kịp”, anh Lê Văn Phước - Chủ tịch xã Phong Chương lo lắng: “Chừ nước đang lên, anh muốn về thôn Phú Lộc thì chịu khó tới Trường tiểu học Phong Chương 2, đợi em nhờ trưởng thôn đưa đò máy đến đón cho an toàn”.

Mực nước các hồ chứa xấp xỉ mực nước dâng bình thườngCòn hơn 8.000 học sinh vùng thấp trũng chưa thể đến trườngVùng trũng Quảng Thái, Phong Bình lên phương án di dời các hộ dân nếu bị ngập

Điểm hẹn đợi Trưởng thôn Phú Lộc đến đón nước xấp xỉ 1m

Từ UBND xã Phong Chương đến địa điểm anh Phước nói chưa đầy 1km. Nhưng để đến được đó phải lội nước khoảng 500m, nước ngập gần đầu gối, gió, mưa cứ quất ràn rạt vào mặt, vào mắt.

Sau hơn 10 phút bì bõm, tôi đến được điểm hẹn cùng tiếng đò máy xành xạch. Trên đò 3 người, một bí thư chi bộ, một trưởng thôn và 1 thôn đội. Chưa kịp giới thiệu, chị Hồ Thị Vy – Trưởng thôn Phú Lộc nhiệt tình: “Xăng mới đổ đầy, mấy anh muốn đi mô cứ nói”.

Mới đi được 50m, gió, mưa càng lúc càng nặng hạt, thôn Phú Lộc chìm trong một màu trắng xóa. Phía xa, vài chiếc đò ngược xuôi chở người, buông lưới. Bí thư chi bộ Nguyễn Hữu Thành tặc lưỡi, ngày 12 nước có xuống một chút, tới chừ đã thấy lên lại hơn 20 phân. “Mà nói rứa thôi chơ gần 1.400 khẩu của 315 hộ thôn Phú Lộc vẫn bình thường, bởi nhà cửa được tôn nền cao, có nhiều nhà cao tầng, chỉ là đường sá bị chia cắt”, ông nói.

Một góc thôn Phú Lộc chiều 13/12

Sau gần 30 phút dập dềnh, chiếc đò máy vào được nhà -những hộ gần cổng thôn. Ghé nhà anh Thành, một trong những địa điểm ngập sâu chừng 1m. Ngoài sân, vài ba chiếc đò để sẵn; trong nhà, vợ chồng anh và mấy đứa nhóc vẫn đang khô ráo, an toàn…

Uống nhanh ly trà gừng vợ anh Thành mời, cả nhóm tiếp tục lên đò ngược con nước về những nơi ngập sâu nhất của thôn. Đến nhà anh Hoảng, nước trong nhà lấp xấp mắt cá chân nhưng không ai ở nhà. Khi quay ra, thấy anh chèo đò, trong đò là mớ cá tươi rói. “Tui ra kiếm ít cá để chiều nấu cơm. Lụt thì lụt chơ đồ ăn không sợ thiếu”, anh cười.

Do nước ngập toàn bộ đường sá nên việc đi lại của bà con nơi đây toàn bằng đò. Bên cạnh một hàng tạp hóa đang xôn xao đò thuyền vô ra mua bán là cảnh một cặp vợ chồng thảnh thơi kết lưới trên bậc thềm. “Mùa ni cũng là mùa nhiều hộ dân nơi đây tăng thu nhập, chịu khó một chút cá tôm cũng được kha khá”, Phan Quốc Ngân, Thôn đội thôn Phú Lộc, người chịu trách nhiệm cầm lái giờ mới lên tiếng.

“Mưa gió như ri, đánh bắt có nguy hiểm không?”,  nghe câu hỏi, ông Nguyễn Hữu Thành cao giọng: “Nói thiệt, mô tui không biết chơ ở đây người chết đuối thì hơi bị hiếm. Cái ni không phải chủ quan, mà là bà con ở đây đã quen sống chung với lũ nên biết cách ứng phó. Kiểu như biết đoạn mô nước xoáy, lúc mô gió mạnh, dễ lật thuyền thì né, nước ngoài đường ngang mô thì dọn đồ lên cao, tích trữ lương thực…”.

Đò chết máy lần 2, trưởng thôn Hồ Thị Vy (phải) cùng thôn đội Phan Quốc Ngân (trái) hì hục sửa nhưng phải đầu hàng

Chiếc đò máy “lao động” cật lực, trong thời điểm gió càng rít, mưa càng nặng hạt, tiếng máy tự nhiên lịm dần, rồi tắt hẳn. Nhanh nhẹn xuống nước cùng thôn đội Phan Quốc Ngân, lúi húi một hồi, chị Vy phấn khởi: “Tiếp tục lên đường thôi mấy anh”.

Đò máy tiếp tục xuyên qua những khóm tre bị gió “đè” khiến người ngồi trên phải ép mình sát xuống nhưng cũng không tránh khỏi bị cành tre quất bồm bộp vào đầu. Gỡ vội nè tre xuyên qua áo mưa tiện lợi đang mắc vào tóc, chị Vy thủng thẳng: “Ngập ri chơ ngập nữa cũng không sợ. Trường tiểu học Phong Chương cơ sở 2 gần cổng thôn khá cao, xã và thôn đã có phương án di dời. Chỉ lo là nước ngập lâu rút, học sinh không đi học được”.

Nhìn đồng hồ đã 2h chiều, nước lên chậm nhưng mưa, gió không hề giảm. Một lần nữa, tiếng máy lại khục khục vài tiếng rồi im lặng. Cả nhóm lại hì hục đánh vật với chiếc máy nhưng cuối cùng đành chịu thua. Giữa màn nước trắng xóa, chị Vy hất tay, thôi mấy anh cứ lên đò, tụi tui chèo tay cũng được. Chừng biết khách ái ngại, chị Vy nói như để chứng minh cái sự nhiệt tình của mình, của người thôn Phú Lộc: “Dân đây hay lắm, thấy ghe, đò ngang qua, chỉ cần vẫy vẫy tay là họ chở, chẳng tiền nong chi…”.

Trước sự nhiệt tình của chị Vy, anh Thành, anh Ngân, cảm giác ái ngại càng lúc càng cao khi mà trước đó, ý định của nhóm phóng viên sau khi về Phú Lộc (Phong Chương), là đến Ma Nê và Tân Bình (Phong Bình). Nhưng, tình cảnh phải chèo đò bằng tay, 2km giữa trời mưa to gió mạnh từ thôn Phú Lộc đến Man Nê và Tân Bình không phải là chuyện nói là được…

 

Đến chiều 13/12, ở Ma Nê đang có 47 hộ bị nước cô lập hoàn toàn, còn Tân Bình là 58 hộ bị nước bao vây. Nhưng đó là số liệu từ báo cáo nhanh của 2 thôn này. Và để đến, để cùng chia sẻ phần nào với bà con nơi đây chỉ đành là món nợ - món nợ mà người viết không mong có “cơ hội” trả…

Ở xã Phong Bình, các trường cho học sinh nghỉ học, gồm: Mầm non Phong Bình, Phong Bình 1, Phong Bình2; Tiểu học Vân Trình, Vĩnh Hòa; THCS Phong Bình.

Còn xã Phong Chương là các trường:  Mầm non Phong Chương, Phong Chương 2; Tiểu học số 1, số 2 Phong Chương; THCS Nguyễn Tri Phương.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan
Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt
Return to top