Thành viên Codes điều tra nguyện vọng của trẻ em lao động đường phố
Dự án được thực hiện trong vòng 3 năm (2014-2017). Sau gần 3 năm thực hiện dự án, Trung tâm Codes đã phát hiện và làm hồ sơ bảo trợ cho 345 trẻ em, thanh niên lao động đường phố trên địa bàn tỉnh (5/2017).
Hiện nay, trên các tuyến đường của TP. Huế, như: Tố Hữu, Trường Chinh, Trịnh Công Sơn… xuất hiện khá nhiều trẻ em lao động đường phố, có độ tuổi từ 5-16, ra vào các quán nhậu, nhà hàng, phòng trà, quán bar… từ 17h đến 2-3h sáng hôm sau với nhiều mặt hàng bán kèm: vé số, kẹo cao su, đậu phộng, bánh tráng… Đa số các em là con của các hộ gia đình tái định cư sống tập trung đông tại các phường: Phú Hậu, Phú Hiệp, Hương Sơ, Kim Long, An Cựu… đã nghỉ học, vừa học vừa đi bán hoặc đang có nguy cơ bỏ học.
Vì môi trường sống tác động, kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ phải “đầu tắt mặt tối” với mưu sinh hằng ngày, nên bán hàng rong trên các đường phố là một trong những công việc kiếm tiền từ rất sớm của những trẻ em, thanh niên này. Nguy hiểm rình rập từng giây, từng phút đối với các em này là điều không thể tránh khỏi. Các em phải lao động quá sức so với độ tuổi của mình. Trên đường đi bán, tai nạn cũng có thể đến với các em. Bị khách hàng xua đuổi, người khác kỳ thị, thậm chí còn bị kẻ gian trấn lột trên đường phố và đặc biệt những trẻ em, thanh niên này có nguy cơ bị lạm dụng tình dụng rất cao…
“Dự án vì tương lai tươi sáng hơn của trẻ em lao động đường phố tại Thừa Thiên Huế” trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để các em tự biết cách bảo vệ mình, giúp các em hiểu được quyền lợi và giá trị của bản thân, đồng thời “nói không” với tệ nạn xã hội. Ông Lê Thế Anh (Đại diện Ban Truyền thông Codes) cho biết.
Theo ông Thế Anh, bước đầu, các thành viên của Trung tâm Codes ngày đêm có mặt trên các tuyến đường có trẻ em lao động đường phố tập trung đông để nắm bắt và khảo sát tình hình. Sau đó, tìm đến gia đình của các em để tìm hiểu thông tin và tiến hành làm hồ sơ bảo trợ. Trung tâm cũng gửi công văn về các phường, xã tập trung nhiều trẻ em lao động đường phố để nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Qua một thời gian thực hiện, trung tâm còn nhận được sự phối hợp của chính các em này, khi các em trực tiếp chia sẻ với thành viên của Codes về nhiều trường hợp lao động đường phố khác. Nhờ đó, Codes phát hiện và làm hồ sơ bảo trợ cho 345 trẻ em, thanh niên lao động đường phố trên địa bàn TP. Huế hiện nay.
Sau khi làm hồ sơ bảo trợ, Codes luôn duy trì liên lạc với gia đình, các em để theo dõi tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, Codes còn thường xuyên tổ chức các sự kiện, các buổi sinh hoạt thường niên với sự tham gia của rất đông trẻ em, thanh niên và cả phụ huynh để trang bị những thông tin cơ bản về quyền trẻ em. Ngoài ra, 345 trẻ em đang lao động đường phố còn được Codes trang bị bộ “Cẩm nang lao động đường phố”. Cẩm nang sẽ hướng dẫn cho các em những kỹ năng cần thiết, các cách ứng phó, đối xử với các tình huống có thể xảy ra trong quá trình bán hàng trên đường phố hay học nghề. Hơn hết, Codes còn thành lập một hệ thống bảng hiệu “Đường dây nóng tư vấn và bảo vệ trẻ em: 01295685868” để khi các em gặp những trường hợp khẩn cấp cần sự giúp đỡ thì sẽ gọi ngay cho trung tâm.
Dự án đã nhanh chóng có tác động rất lớn trong một thời gian ngắn. Hiện nay, tất cả các em đều được Codes trao tặng các suất học bổng trong đầu năm học. Nhiều thanh niên được Codes hỗ trợ đào tạo nghề theo mong muốn. Hầu hết các trẻ em lao động đường phố đã có nhiều thay đổi trong nhận thức và hành động, được trang bị những kỹ năng cần thiết khi lao động đường phố để tự bảo vệ chính mình và nói không với các tệ nạn xã hội. Trên hết, 20% trong số 345 trẻ em được Codes bảo trợ đã nghỉ bán hàng rong và đi học trở lại.
Nguyễn Thanh Ly, thanh niên lao động đường phố, sau khi được Codes tư vấn học nghề chia sẻ: “Trước đây, em rất ham chơi, nhưng từ khi được Codes hỗ trợ học nghề em đã biết kiếm tiền và còn ý thức được về tương lai”.
Bài, ảnh: Như Quỳnh