ClockChủ Nhật, 23/08/2020 07:32

Vướng lại nỗi buồn

TTH - Người phụ nữ hơn tôi vài tuổi đối diện phía bên kia bàn. Mùa hình như đã về trong mắt. Hình như hôm đó cũng đã chơm chớm vào thu. Tôi nghĩ đến điều ấy khi nhìn những quả thị vàng rơi bên góc đường mình qua, trong màu nắng đã hiền trên lá. Phố nữa, cũng chậm rãi dần sau những vòng quay…

Đương nhiên với chị, không còn là những mối bận tâm về công việc nữa, dù tôi vẫn nghĩ, thật là tiếc nếu chị vẫn còn ở đó, với những sự vụ hàng ngày một cách trôi chảy. “Tối qua chị có giấc mơ kỳ cục – chị nói, khi thấy tôi im lặng dò hỏi – Đầu tiên là người phụ nữ đó dừng lại nhìn chị, đôi mắt thật lạ. Rồi anh về nhà và nói với chị về việc ly hôn. Dù là mơ, nhưng chị vẫn nhớ là mình đã đồng ý, với một chút đau nhức… Lúc đó, hình như chị đã nói cái gì thuộc về con, và chúng sẽ thuộc về ai. Cũng không nhớ là sau đó như thế nào, nhưng khi mở mắt, chị thấy lòng mình buồn mênh lên. Nên gọi em đến ngồi cùng một lúc…”.

Chỉ là mơ thôi mà chị - tôi xuề xòa rồi tếu táo những điều gì đó, như kiểu tránh đụng vào cây mùa lá rụng. Có những vết thương mở, nếu chúng ta cứ chạm vào chúng; hoặc chúng sẽ trở về trạng thái lành cũ, nếu tỏ ra không để ý nữa. Ít ra thì tôi cũng đã hy vọng như thế, trong khoảng thời gian bên chị, với những điều không đầu không cuối khác.

Khi cảm nhận công việc đã trở nên ngắt quãng lúc trở lại, tôi biết có nỗi buồn từ một thực thể khác đã đính vào mình. Y như là mình cũng đang trong mùa lá rụng. Không phải là những chuyện không đâu vào đâu, hoặc có thể chúng đã thuộc về cũ, chợt nhiên lại nảy lên, và mình không biết làm thế nào để hạ xóc.

Sự chạnh lòng, có lẽ là điều đến với bất cứ ai ở trong cuộc đời. Những hóa giải hay cất giấu, chắc chắn là điều dễ dàng hơn đối với môi trường chung. Nhưng trong chốn riêng tư, có khi lại dằng dãi những điều thuộc về chịu đựng. Chúng làm nên nỗi buồn. Làm nên một hàng rào dễ đổ, tạo nên những khoảng chênh vênh trong sự gắn kết và những mối quan hệ được cố định bằng một kiểu đi trên dây, hay những lúc đi trên dây như thế.

Bạn tôi là người ít bộc lộ mình. Chị thường giấu nỗi buồn trong chuỗi công việc ngày còn ở công sở, hoặc phủ lấp chúng bằng cách lo cho con, cho cháu; giấu sau những mớ cá bó rau xanh tươi ngon, những buổi chiều ở lớp học Yoga. Thế nên khi xoay ly cà phê thật chậm, tôi đã giấu những ý nghĩ đến trong đầu mình, rằng nếp gấp nào trên gương mặt chị là vết cứa từ một tin nhắn, gửi yêu thương đến một số máy khác mà chị đọc được khi nó còn lưu ở điện thoại của chồng. Nếp gấp nào làm chị phấp phỏng khi nó đến từ đêm, rồi biết anh còn những bận tâm khác nữa ở bên ngoài. Cả đôi mắt của chị, chúng vốn không phải sinh ra để buồn, giờ sao trở nên vời vợi quá! Cả những điều như vỡ loang ra, khi chị gọi tôi vào một chiều mưa nhiều năm trước. Có những điều không thể nói với người thân, và không phải người bạn nào cũng có thể dựa vào để khóc vùi…

Nhưng bây giờ đã thu rồi, và chị đã cứ thế mà qua nhiều mùa sóng. Những vơi vớt cũ chắc cũng đã dịu lại, vì thật ra, ai rồi cũng sẽ biết nơi nào để mình luôn là chỗ để trở về. Huống là chị lúc nào cũng ở đó. Đủ chịu đựng và đủ vị tha. Có lẽ, chỉ có giấc mơ là nơi bạn tôi bị đánh thức bởi những điều buốt nhức thành thật.

Cả tôi nữa, cũng nên ra ngoài một lúc thôi kẻo lại làm mình rơi vì những điều không thể tự tếu táo được.

YÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top