ClockThứ Hai, 03/08/2020 06:27

Xoa dịu nỗi đau da cam

TTH - Đã qua 59 năm kể từ khi xảy ra thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó. Huyện A Lưới cùng các cấp, ngành, đơn vị chức năng đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tẩy độc và chung tay giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Nỗi đau da cam và những việc làm tình nghĩaDi chứng da cam và nỗi đau còn đó

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm hỏi và tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam ở A Lưới năm 2019

Xử lý đất nhiễm độc

Những ngày cuối tháng 7/2020, người dân xã Đông Sơn, huyện A Lưới vui mừng khi hay tin dự án tẩy độc dioxin sắp được triển khai trên địa bàn. Anh Hồ Giang Ngân, trú tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới không giấu được cảm xúc: “Chất độc dioxin để lại quá nhiều nỗi đau cho gia đình. Rau màu sản xuất ra cũng khó bán vì người ta cho rằng trồng ở vùng có chất độc da cam. Nếu tẩy độc thành công, hy vọng chúng tôi sẽ có cuộc sống mới”.

Nỗ lực xử lý dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở A Lưới thời gian qua được các cấp ngành quan tâm. Đặc biệt, ngay sau khi UBND huyện A Lưới phối hợp với Bộ Tư lệnh Hóa học (thuộc Bộ Quốc phòng) tổ chức ký kết xác định mặt bằng bàn giao thực hiện dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới”, dự án tẩy độc này dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 8/2020.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, tổng diện tích mặt bằng thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin khoảng 8,38 ha, gồm hai khu là khu A diện tích 4,12ha và khu B là 4,26ha. Dự án được Bộ Quốc phòng phê duyệt với tổng kinh phí 70 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm (từ năm 2020 đến 2022). Sau khi hoàn thành dự án, những diện tích đất đã được tẩy độc an toàn sẽ được giao cho xã Đông Sơn đưa vào sử dụng, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương, người dân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.

Theo ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, trong dự án xử lý đất nhiễm độc, các bên đã xác định khu vực nhiễm độc dioxin trong sân bay A So/xã Đông Sơn, huyện A Lưới thuộc quy hoạch làm khu chứng tích chiến tranh, một phần khu A sẽ được cải tạo thành khu vui chơi giải trí, sân bóng hoặc nhà văn hóa thôn. Đối với người dân địa phương, đó không chỉ là niềm an ủi mà là mang lại nhiều giá trị, giúp họ an tâm hơn trong cuộc sống. “Tại xã đang có 42 đối tượng được bảo trợ hưởng chính sách của nạn nhân chất độc da cam. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, hoàn thành tẩy độc không chỉ giúp họ an tâm hơn về nguồn đất hết nhiễm độc mà cũng yên tâm sản xuất rau màu để phục vụ bữa ăn gia đình và bán ra thị trường”, ông Tôi nói.

Chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

Cùng với dự án tẩy độc cho vùng đất chịu nhiều tổn thương dai dẳng trong và sau chiến tranh, A Lưới đã và đang xoa dịu nỗi đau da cam bằng nhiều cách. Ông Hồ Sĩ Bình, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện A Lưới cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với 712 người bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, trong đó người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 381 người, con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 331 người.

Để giúp các gia đình nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, hằng năm tại huyện A Lưới triển khai nhiều hoạt động vận động, quyên góp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cá nhân hảo tâm. Đáng mừng là, nguồn vận động qua các năm để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam tăng dần, trong đó năm 2015 là gần 95 triệu đồng, năm 2016 là 117 triệu và đến năm 2019, nguồn vận động đã lên đến hơn 400 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2020, từ nguồn hỗ trợ của tổ chức Thụy Sĩ, đã và đang khởi công xây dựng 9 ngôi nhà, với tổng kinh phí hơn 103 triệu đồng/nhà cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, A Lưới luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, với nhiều việc làm thiết thực như: trợ cấp thường xuyên, đột xuất, điều dưỡng luân phiên, cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình, phục hồi chức năng, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và nhiều hoạt động khác nhằm chăm lo giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần tạo điều kiện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin vươn lên để hòa nhập cộng đồng. Các tổ chức, đơn vị chức năng cũng thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi tặng quà, sửa chữa nhà dột nát, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ nhân dịp lễ tết và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8) hàng năm.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam

Sáng 2/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh diễn ra Giải tennis kỷ niệm 78 năm Ngày pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2024). Đến dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh và ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Huy Thịnh - đơn vị tài trợ chính giải đấu.

Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

TIN MỚI

Return to top