Căn homestay này là của một cô giáo người Kinh. Trong một chuyến viếng thăm bản làng cách đây nhiều năm, vì quyến luyến không gian thanh vắng nên cô đã gom góp tiền, mua lại ngôi nhà sàn từ một già làng. Sau đó đầu tư, sửa sang thành nơi nghỉ dưỡng cho du khách thập phương. Không sống ở núi, chủ nhân giao lại căn nhà cho gia đình một người đồng bào gần đó quản lý. Mỗi khi có khách nhận phòng, từ trên con dốc cao, người phụ nữ Pa Kô xúng xính bộ váy zèng đi đến bơm nước, quét dọn, thay chăn màn rồi trao tay chìa khóa. Không dặn dò, hỏi han, cô để chúng tôi tự do, thoải mái tuyệt đối trong căn nhà gỗ lọt khe gió.
Những ngày ở bản, tôi luôn chờ đợi giây phút rú xe lên con dốc nhỏ được chống trơn trượt bằng những lằn bê tông, tắt máy, bước vào ngồi xuống dưới hàng hiên. Ở đó đặt một chiếc bàn tre rất dài, vài chiếc ghế có lưng tựa được đóng thô sơ từ những mảnh ván, một cánh cửa sổ lá sách đặt nằm ngửa nối hai cột nhà. Ngôi nhà hướng mặt ra bờ suối. Trời còn sớm, những tầng cây ở tầm thấp chùng chình trong hơi ẩm. Vì chỉ lưu trú lại mấy hôm, số lần ngồi dưới mái hiên bao nhiêu tôi đều có thể đếm được, nhớ được. Nghe gió thổi, ngắm mây bay, khoảng không gian, thời gian nơi đây bao giờ cũng đẹp đẽ, im vắng, vừa chậm mà cũng rất nhanh, hoặc do tôi quá quyến luyến nên sợ rời xa ngay khi còn ở bên?
Có một bụi hồng cổ được trồng cách xa cầu thang dẫn lên gác gần hai mét, cành tán tỏa sum suê. Trước đây, chiếc cầu thang được thiết kế nguyên bản theo mẫu cũ, nó chỉ là một cây gỗ nguyên khối được đẽo đục thành từng bậc nhỏ vừa vặn bàn chân, ở chỗ nắm trên cùng khắc chạm vài hoa văn thể hiện tín ngưỡng văn hóa của người đồng bào. Thế nhưng bây giờ, khi ngôi nhà được nhiều gia đình du khách biết đến, những đứa trẻ con thích mê trò leo trèo thì chủ nhân đã thay gộc gỗ bằng một chiếc cầu thang chắc chắn, dễ sử dụng kiểu đồng bằng. Thì thế, dù ở đâu, bao giờ, con người vẫn luôn biết cách điều chỉnh để mọi thứ trở nên an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, sự lặp lại không đúng với tất cả mọi người. Như điều mà bạn nói: “Cuộc sống luôn ngồn ngộn và quá nhiều ràng buộc khiến mình lúc nào cũng chỉ muốn được chạm đến những gì mới mẻ, yên tĩnh và tự do”.
Bạn nói trong khi vẫn ngồi im bên chiếc bàn tre, những sợi hương mong manh tỏa ra từ tách trà hòa vào không gian ngan ngát. Tôi toan đứng dậy ngắt một đóa phù dung nhưng bị cản lại. Hoa để ngắm luôn ở phía ngoài kia, chúng hòa điệu giữa nắng, gió.
Mùa đông là mùa đẹp nhất ở núi, nơi này không lê thê những ngày mưa. Mưa đến theo đợt, tắm gội cho sông suối, cỏ cây rồi lại rời đi trả về cho bản làng vẻ trong veo bừng lên trong từng con nắng. Từng bước ánh sáng cứ hắt qua hắt về tạo thành những vệt màu khác nhau trên những viền cây thăm thẳm. Buổi sáng, buổi trưa, núi sẽ trước nhạt, sau đậm. Ngược lại, khi chiều về, sương từ phía thung lũng tràn lên như phủ màn thì những dãy cây phía trước lại thăm thẳm một màu xanh lam đặc quánh, trong khi đó những dãy núi phía đỉnh lại nhạt nhòa, bồng bềnh sương khói mờ xa.
Càng khuya, hơi sương theo gió tràn qua các kẽ vách. Tôi và bạn kéo cao tấm chăn rồi lắng tai nghe. Côn trùng, ếch nhái đang ríu ran hòa điệu vào tiếng gió, tiếng suối chảy rì rào.
Anôr! Anôr! Dù chưa xa nhưng lòng tôi đã nhớ. Tôi sẽ trở lại, chạy xe lên con dốc cao rồi ngồi yên dưới hàng hiên nghe thật gần gió núi.
Sự yên lặng đôi khi còn xôn xao, mạnh mẽ hơn mọi cất lời.