Người lao động tại xưởng may của chị Tâm yên tâm vì công việc ổn định
Trong khuôn viên rộng rãi, 15 chiếc máy may hoạt động hết công suất. Ngoài 15 chị thợ may, lúc nào cũng có 5- 7 chị là (ủi) những bộ áo quần đã hoàn thành, thực hiện các công đoạn “làm vặt” (gấp áo quần, đơm khuy, kết nút…). Các chị ai nấy chăm chú, khẩn trương làm việc. Đó là quang cảnh thường ngày tại nhà (và cũng là nơi đặt xưởng may) của chị Tâm.
Chị Trương Thị Ánh Thi (ở thôn Lại Ân, xã Phú Mậu) vui vẻ kể, trước đây chị làm nghề giữ trẻ tại nhà ở thành phố, phải đi xa nên khá vất vả. Được nhận vào làm việc tại xưởng may, gần nhà rất thuận tiện. Quan trọng hơn là công việc lúc nào cũng có, thu nhập ổn định. Chị Thi mới vào làm gần một năm, công việc ủi áo quần với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Chị Thi cho biết, mức lương này đối với người nông dân ở quê là khá ổn. Chồng chị là công nhân. Gia đình chị Thi còn tranh thủ trồng hoa để bán, nên kinh tế khá vững vàng.
Chị Lê Thị Hoa (ở thôn Vĩnh Lại, xã Phú Thanh, Phú Vang) cũng bày tỏ sự phấn khởi khi “kiếm” được việc làm tại xưởng may của chị Tâm. Trước đây chị Hoa từng đi làm thuê, nhưng việc lúc có lúc không. Có thời gian chị Hoa thất nghiệp, kinh tế gia đình vì vậy mà khó khăn. Với công việc gấp áo quần ở xưởng, “bà chủ” Tâm “bao” việc cả tháng, chỉ sợ không có sức chứ không sợ thiếu việc. Vậy nên thu nhập của chị Hoa được đảm bảo.
“Từ xuất phát điểm làm ăn nhỏ lẻ, dần dần tích lũy kinh nghiệm, chịu khó lặn lội đi tìm đầu ra, vợ chồng tôi mạnh dạn mở xưởng may, 10 năm nay vừa phát triển kinh tế, vừa tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn”- chị Nguyễn Thị Thanh Tâm bày tỏ. Khi mới vào xưởng, người lao động được chị Tâm đào tạo từ đầu. Sản xuất các loại áo quần đồ bộ, áo sơ mi, quần tây với phương thức tự cắt, may (không gia công) để đảm bảo chất lượng, uy tín của sản phẩm, nên xưởng may của chị Tâm luôn nhiều việc. Người lao động tùy vào khả năng, tay nghề để lựa chọn thực hiện công đoạn nào phù hợp.
Chị Tâm cho biết, thu nhập của người lao động ở xưởng bình quân từ 150 – 200 nghìn đồng/ngày, tùy theo tay nghề và công đoạn việc. Chồng chị Tâm đảm trách công đoạn cắt. Những người thực hiện công đoạn may được hưởng tiền công cao hơn công đoạn là ủi và các công đoạn làm vặt. Vào các dịp lễ, tết, người lao động được nghỉ, nhưng vẫn được hưởng tiền lương. Người lao động hài lòng về cách trả công của chủ xưởng.
Đồng lòng tạo ra sản phẩm chất lượng, có uy tín nên áo quần các loại của xưởng chị Tâm ngoài bỏ mối cho các chợ trên địa bàn tỉnh, phần lớn “đi ra” TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi. Từ 5 máy may ban đầu, đến nay xưởng chị Tâm có 15 máy, đồng nghĩa với việc tạo thêm việc làm cho nhiều người. Những tháng đắt hàng nhất, chị Tâm xuất xưởng 3- 4 nghìn bộ quần áo các loại. Có tháng dù bán được ít hàng, nhưng chị Tâm vẫn đảm bảo tiền công cho người lao động.
“Xưởng may của chị Tâm đã tạo công việc và thu nhập ổn định cho bản thân tôi và nhiều lao động khác, điều đó khiến chúng tôi rất yên tâm làm việc.”- chị Phan Thị Thủy (người lao động) nói.
Chị Phạm Thị Ngà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Mậu cho biết: Với nỗ lực sản xuất phát triển kinh tế, đồng thời tích cực trong tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn, chung tay góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương, thời gian qua chị Thanh Tâm nhiều lần được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tuyên dương.
Bài, ảnh: Hồ Dương