ClockThứ Ba, 07/11/2017 10:28

Rưng rưng rau rìu

TTH - “Vùng cao có ngọn rau ranh/ Đồng bằng ngon lắm nồi canh rau rìu”. Đó, cái ngon của canh rau rìu, đã được ông cha ngàn đời trước xưng tụng, chứ đâu phải mới bây chừ.

Cuối tuần có công chuyện đột xuất nên không về nhà thăm mạ. Nắm rau rìu hái ngoài ruộng hôm trước không thể chờ, mạ liền gửi hàng xóm mang giúp ra phố cho con gái. Nhúm rau nho nhỏ xanh mướt, được mạ gói cẩn thận trong ngọn lá vả sau hè, gói cả tình thương của mạ trong đó.

Rễ rau rìu có vị giòn, ngọt, nên chỉ cần rửa thật sạch, không cần ngắt bỏ

Tờ lịch nhét kèm trong mớ rau, chắc mạ xé vội trên tường. Mấy dòng xiêu vẹo, mạ cẩn thận dặn: “Rau mạ mới hái. Đừng cất tủ lạnh. Ăn liền cho tươi ngọt”. Nhìn mấy chữ ngắn ngủn của mạ, răng thấy thương chi lạ. Không dưng mà mắt cũng cay cay.

Ngày trước, rau hoang rau dại mô có quý hóa như chừ. Muốn ăn, chỉ cần lướt ra đồng một vòng là được. Những ngày mưa lâm thâm ấy, mạ mang tơi đội nón nhổ cỏ huệ trên ruộng dài. Rau rìu mọc lẫn cùng mấy loại cỏ dại, mạ lúc nào cũng cẩn thận tách riêng, để từng cụm. Hết buổi làm đồng, mạ sẽ đi gom rau rìu lại, mang về nấu ăn.

Ngày tôi còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi lớn, nên chỉ mê mấy thứ cá, thịt. Không thịt cá, không vui. Nên mấy thứ rau rìu mạ mang ngoài đồng về, dễ gì thu hút được vị giác của một đứa nhóc. Nhưng có lần, nghe tiếng mạ hò ru nhỏ em tôi ngủ: “Không ăn rau tạm lá rìu. Không cha, không mạ nương chiều người dưng”. Tự nhiên thấy thương thứ rau hoang trên đồng kia chi lạ. Cũng thương luôn phận ai đó côi cút mồ côi. Chẳng hiểu làm sao, từ đó trở đi tôi đâm ghiền, đâm nhớ, đâm thương cái thứ rau từng chê ỏng chê eo.

Rau rìu mọc hoang trên mấy chân ruộng, lá đơn, thân mềm, mạ dùng để nấu canh hoặc luộc chấm. Mạ dặn, rễ rau rìu giòn, ngọt, nên chỉ cần rửa thật sạch, không cần ngắt bỏ. Rau rìu luộc thường chấm với nước ruốc, thêm tí tóp mỡ cùng ít quả ớt chỉ thiên chín đỏ thơm nồng. Cũng có thể chấm với nước mắm gừng, vừa ngon vừa lạ.

Rau rìu nấu canh thì mạ nấu cùng vài con tôm sông, đôi khi nấu với mấy con rạm ba bắt được ngoài ruộng. Mạ nói rạm người ta thường nấu với rau đay, hoặc rau mồng tơi. Nhưng ba với tôi chỉ thích nấu canh rạm với rau rìu mọc dại. Những hôm thong thả, ba phụ mạ giã rạm trong chiếc cối đá rồi cẩn thận lọc bỏ bã. Sau khi phi hành thơm lừng cả chái bếp, mạ đổ nước rạm vào, thêm tí ruốc cho đậm vị, nấu sôi lên rồi cho mớ rau rìu đã rửa sạch vào. Khi nồi canh chín, nêm gia vị vừa miệng là có nồi canh thơm lừng.

Còn hôm nào đi làm đồng về muộn, mớ rạm sẽ được mạ làm sạch, rồi bẻ đôi, sau đó ướp gia vị cho thấm. Mạ cho chút mỡ vào nồi, băm một ít hành tím, chờ hành chuyển sang vàng thì cho rạm vào, đợi chín và thấm gia vị lại cho thêm lưng tô nước. Nước sôi, mạ cho đám rau rìu vào, đợi nồi canh sôi lại liền nhanh tay nêm nếm rồi nhấc xuống.

Rau rìu có vị giòn, ngọt, lại hơi nhớt, nên nấu canh với rạm rất hợp vị. Những ngày mưa lâm thâm, trời se se lạnh, ngồi xúm xít bên mâm cơm húp xì xụp chén canh rạm rau rìu nóng hôi hổi, ngon không thể tả. Những hôm như thế, nồi cơm coi như chẳng mấy ai đụng nhưng mạ vẫn cười tít mắt. Bởi nồi canh trong mâm đến một giọt cũng chẳng còn.

Ngày trước, rau rìu mọc tràn lan ngoài đồng, muốn ăn bao nhiêu cũng có, nên cũng chẳng ai hái bán. Nhưng bây giờ hiếm lắm. Mạ nói, muốn hái được cọng rau rìu, còn khó hơn bắt con gà chạy trong sân. Thế nên hôm trước “trúng mánh”, hái được một mớ, mạ tiếc không dám ăn mà để phần con gái.

Bài, ảnh: LINH CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top