ClockThứ Năm, 05/10/2023 14:40

An toàn thực phẩm, yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch

TTH - Từ vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các điểm du lịch một lần nữa lại báo động. Thừa Thiên Huế đang xây dựng môi trường du lịch “Văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc”, vấn đề trên phải càng được quan tâm.

An toàn thực phẩm cho khách du lịch

 An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề khách du lịch rất quan tâm

Nỗi lo an toàn thực phẩm

Cơ quan chức năng đã có kết luận về vụ việc 313 người, trong đó có du khách quốc tế bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An. Nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn Salmonella có trong thịt heo xíu, rau xà lách, hành, rau răm, dưa leo. Mặc dù chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, song, từ vụ việc đáng tiếc này cho thấy, vấn đề ATVSTP tại các điểm du lịch vẫn luôn “nóng”. Không đơn thuần là việc đảm bảo ATVSTP, mà còn là vấn đề bảo vệ, giữ vững thương hiệu du lịch mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã và đang dày công xây dựng.

ATVSTP tại các điểm du lịch không chỉ là nỗi lo của khách du lịch mà còn là trăn trở của cả ngành du lịch. Không phải cơ sở du lịch nào cũng đảm bảo tốt ATVSTP trong dịch vụ ăn uống, nhất là ở các điểm du lịch, lễ hội... Hành vi sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, chưa được ngăn chặn hiệu quả, nên nguồn nguyên liệu phục vụ dịch vụ ăn uống khó bảo đảm tốt về ATVSTP.

Du khách Nguyễn Thành Phong (Hải Dương) chia sẻ, ẩm thực tại Huế rất ngon. Đối với khách, trải nghiệm mà nhiều người mong muốn là “kéo ghế”, la cà một số quán ngon lề đường với các món ăn dân dã. Thế nhưng, một số nơi chưa chú trọng khâu ATVSTP. Đầu năm 2023, mạng xã hội TikTok xôn xao khi việc nữ TikToker đăng clip một quán ốc ở TP. Huế có ruồi trong thức ăn. Thậm chí, cô tỏ ra vô cùng bức xúc về cách phục vụ và vật dụng bẩn của quán. Với một thành phố du lịch như Huế, điều đó gây ảnh hưởng rất lớn.

Theo một số chuyên gia, không chỉ các điểm dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, mà một số nhà hàng, khách sạn cũng khó chọn lọc để quản lý ATVSTP, bảo đảm thực phẩm, phụ gia không nhiễm vi sinh, không chứa hóa chất bị cấm. Đó là một thực trạng khó có thể làm ngơ, bởi du khách, nhất là du khách nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng môi trường du lịch, đặc biệt là ATVSTP. Trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, môi trường du lịch đẹp thôi vẫn chưa đủ, mà rất cần thực sự xanh, sạch và an toàn. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển du lịch Thừa Thiên Huế.

Thông thường, các đơn vị lữ hành sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng ATVSTP của các nhà hàng, khách sạn trước khi đưa vào tour. Tiêu chí đầu tiên là phải sạch sẽ. Đảm bảo những thức ăn đặt lên bàn ăn của thực khách là thực phẩm sạch và an toàn tuyệt đối. Đó cũng là trách nhiệm của bất cứ đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn nào. Tuy vậy, không phải không có nhà hàng, khách sạn sai phạm về ATVSTP, do chủ quan hoặc do sự cố ngoài tầm kiểm soát, khiến du khách bị ngộ độc thực phẩm. Còn đối với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ dịch vụ ăn uống, nhất là các điểm du lịch, lễ hội, nguy cơ mất ATVSTP vẫn đang hiện hữu.

Siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của khách du lịch. Ngày nay, du khách ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn trong việc đảm bảo sự an toàn trong từng bữa ăn của họ, cũng vì thế ATVSTP trở thành yếu tố hàng đầu trong phát triển du lịch.

Giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó nhận thức về vấn đề ATVSTP phải đặt lên hàng đầu. Các nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn ATVSTP nhằm đạt được sự tin tưởng cao nhất từ khách hàng. Để làm được điều đó, yêu cầu và cũng là giải pháp là chọn những nhà cung cấp thực phẩm uy tín, và có quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm nghiêm ngặt, để các món ăn đảm bảo ATVSTP. Từ chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đến người quản lý, mỗi nhân viên phục vụ phải hiểu và có ý thức cao trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATVSTP.

Ngành du lịch và các cơ quan chức năng cần thường xuyên có các đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Nếu phát hiện có khách sạn nào không đảm bảo tốt về ATVSTP, thì cơ quan chuyên môn về du lịch mạnh tay hạ xếp hạng sao. Đồng thời, xử lý mạnh tay với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xem thường vấn đề ATVSTP.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch và các ban, ngành, đơn vị có liên quan đang cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”. Những vấn đề hạn chế, tồn tại trong phát triển du lịch; trong đó, có nỗi lo ATVSTP được quan tâm bằng nhiều giải pháp, hướng đến sự hài lòng của du khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top