ClockChủ Nhật, 03/10/2021 16:44

Bất ngờ với Đông Lâm

Ưu tiên đầu tư hạ tầng để kết nối du lịchNắm bắt cơ hội từ những bình chọn uy tín

Bất ngờ bên cạnh những cảnh đẹp tự nhiên nổi tiếng sông Hương, núi Ngự, biển Thuận An, phá Hà Trung… là sự góp mặt của rừng Đông Lâm. Ông vua nổi tiếng văn hay và chữ tốt Thiệu Trị là người đã xếp Đông Lâm vào một trong số 20 thắng cảnh nổi tiếng của Huế (Thần kinh nhị thập cảnh). Cũng đã hàng trăm năm qua đi mà câu thơ “Trong rừng ẩn hiện đàn chim về hội tụ/ Dưới khe nối nhau bầy chim nghịch thả mình bơi qua” trong bài “Đông Lâm dực điểu” của vua Thiệu Trị vẫn khiến lòng người xốn xang, mong muốn và khát khao được khám phá.

Đình làng Chánh Đông. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

An Cựu là một chi lưu của sông Hương ở phía nam Kinh thành Huế. Sông có nhiều tên gọi: Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang, Hà Tự, Cống Quan. Toàn bộ dòng sông dài khoảng 30 km, bắt đầu lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, rồi đổ vào phá Hà Trung. Từ khi các chúa Nguyễn chọn Kim Long, rồi Phú Xuân là thủ phủ của xứ Đàng Trong, 2 bên bờ sông An Cựu đã là nơi tập trung dinh thự, nhà vườn của các quan lại, quý tộc. Tuy nhiên, lúc này sông còn nhỏ, nhiều đoạn cạn hẹp. Năm Gia Long 13 (1814), sau khi khảo sát tình hình và hỏi ý kiến các vị bô lão ở xã Thanh Thủy, đã cho khơi đào thêm sông An Cựu và cho đắp đập Thần Phù ở phía dưới để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng vạn mẫu ruộng nơi đây. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sông An Cựu được đổi tên thành Lợi Nông. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) khi đúc Cửu Đỉnh, hình ảnh và tên sông đã được khắc vào Chương Đỉnh.

Bia căn cứ lõm Lùm Chánh Đông. Ảnh: dulichhuongthuy.com

Khép mình bên bờ Lợi Nông, ở nơi phía hạ lưu Thần Phù là Đông Lâm (rừng ở phía đông). Tuy không thật rộng lớn nhưng do đất tốt, hoang vu, một thời có nhiều loại cây rừng và hoang dại, như mưng, bốm, sung, bong bong… sinh sôi và phát triển mạnh nên chốn này mang dáng vẻ hoang sơ và quy tụ được nhiều loại chim muông, cá thú, vậy nên gọi là rừng cũng thật xứng đáng. Cũng chính Minh Mạng là ông vua Nguyễn đầu tiên đã cho xây dựng ngay tại Đông Lâm một tòa hành cung để nghỉ ngơi tại chỗ sau khi đi du ngoạn, săn bắn. Đến thời Thiệu Trị, hành cung có tên gọi Thần Phù này mới trở nên bề thế. Còn lưu lại trong ký ức nhiều người về hành cung là một tòa nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương; một tòa nhà 5 gian xây trên bờ sông có mái lợp ngói liệt; một tòa nhà ba gian hai chái, mái lợp tranh và hệ thống hành lang và tường thành bảo vệ.

Từ Huế về với Đông Lâm, ta có thể đi theo tuyến đường bộ 1A, qua cánh đồng Thanh Lam, rẽ trái theo Tỉnh lộ 10B khoảng 2,5km đến cầu Lợi Nông, tiếp tục rẽ trái vào đường Chánh Đông khoảng 300m là đến. Còn muốn thêm phần lãng mạn, bạn có thể đi thuyền, hay ghe dọc theo đôi bờ từ An Cựu về Lợi Nông, theo đúng hành trình du ngoạn, săn bắn, vui thú điền viên của các bậc quân vương và cận thần hàng trăm năm trước. Từ chốn phố xá rộn ràng về quê, đi qua nhiều xóm làng yêu thương và trầm mặc, nơi còn lưu giữ những bờ tre và bến nước, con đò và những chiếc rớ chỏng chơ chờ cá mùa lụt, ta sẽ có được những phút giây thư giãn tuyệt vời.

Đông Lâm còn được biết đến với tên gọi Lùm Chánh Đông, một vùng căn cứ cách mạng ở đồng bằng thuộc xã Minh Thủy (nay là phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy), hình thành khá sớm trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3330/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Đông Lâm - Chánh Đông không xa. Hãy một lần đến với địa danh này. Không còn chim muông và thú dữ như thuở xưa để săn bắt. Cũng chẳng còn nhiều loại cây rừng và hoang dại của một thời hồng hoang. Đã lâu lắm rồi, thay vào đó là cảnh xóm làng yên bình ẩn mình bên con sông đào trong xanh và uốn lượn. Thế nhưng, cứ thử làm trải nghiệm khi thời điểm cuối thu này về với Đông Lâm - Chánh Đông khi hoàng hôn buông xuống, ta sẽ như lạc vào chốn xưa êm đềm của làng quê xứ Huế thuở cha ông đi mở cõi...

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản
Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

TIN MỚI

Return to top