ClockChủ Nhật, 10/11/2024 06:14

Chuyện “hoa hồng”

TTH - Cuối tháng 10 vừa rồi, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Celeberity Millennium của hãng Royal Caribbean với hơn 3.000 du khách và thuyền viên. Đây được biết là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 30 cập cảng Chân Mây tính từ đầu năm 2024. Sau khi cập cảng, một nửa du khách và thuyền viên đã chọn tham quan Huế, nửa còn lại tham quan Đà Nẵng, Hội An.

“Đại sứ” du lịch trẻChuẩn hóa hướng dẫn viên du lịch

 Du khách đang được hướng dẫn viên thuyết minh về một điểm tham quan (Ảnh minh họa)

Đó là sự kiện vui của du lịch Huế nói riêng và người dân Huế nói chung, bởi từ trước đến nay, tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây xong, đa phần du khách lại vượt Hải Vân để Nam tiến tham quan, còn lên Huế thì khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trong bữa cà phê với mấy người bạn làm trong một hãng lữ hành hôm qua, khi trao đổi với họ về sự kiện rất đáng phấn khởi này, tôi đã rất ngạc nhiên khi được họ tiết lộ thông tin rất không mấy vui vẻ, đó là việc có nhiều du khách, thuyền viên chọn thăm Huế là điều... thất vọng của những người làm nghề hướng dẫn viên (guide), cho dù họ có là người Huế. Sự ngạc nhiên của tôi sau đó được giải tỏa rất nhanh bằng một “đáp án”: Hoa hồng! Tất cả là chỉ từ 2 chữ hoa hồng - một danh từ hoa mỹ thay cho những danh từ hơi trắng phớ, thô thiển khác là “phần trăm”, “lại quả”...

Những người bạn lữ hành cho biết, du khách khi được đưa đi tham quan Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn, thì trên lộ trình bao giờ cũng được “cho” ghé qua những địa chỉ chế tác đá mỹ nghệ, may đo áo dài, ẩm thực… và chủ các doanh nghiệp đó bao giờ cũng ứng xử với anh em guide rất đàng hoàng, hậu hĩ. Thường họ được chi 20% hoa hồng trên tổng giá trị các đơn hàng, và được trao ngay, đàng hoàng, trang trọng. Thậm chí, bạn đơn cử có trường hợp khách mua hàng xong và đi ngay khi chủ doanh nghiệp chưa “trở tay” kịp với guide, lập tức sau đó doanh nghiệp cho người đánh xe ra tận cảng Chân Mây, gặp và đưa tận tay người guide đã đưa khách vào cửa hàng của họ để trao hoa hồng. Số tiền khiến ngay cả guide cũng phải bất ngờ vì quá nhiều, do đoàn khách hôm ấy toàn là khách sang, họ mua hàng rất nhiều nên phần trăm cũng tăng tương ứng. Trong lúc đó, doanh nghiệp ở Huế lại ít có ai “chơi đẹp” như vậy. Chính vì lẽ trên mà anh em làm guide không mặn mà nếu được phân công đưa khách thăm Huế (!?)

Thật ra câu chuyện phần trăm hoa hồng cũng như “ứng xử” cho phải lòng với lực lượng hướng dẫn viên du lịch cũng không lạ lẫm gì với Huế. Nhưng có lẽ, do doanh số không nhiều nên cái phần chi lại cho guide nó cũng bèo bọt kém hấp dẫn. Đưa ít quá thì khó ngó và nguy cơ lần sau không có khách, nhưng đưa cho “được mắt” thì lấy đâu ra? Tất nhiên, không nói thì ai cũng hiểu, nó phải được móc từ túi khách hàng mà ra cả. Điều đó cũng có nghĩa là, hàng hóa mà du khách mua sẽ buộc phải bị bớt xén đi cả về số lượng lẫn chất lượng. Hệ lụy là Huế mang tiếng hàng thì đắt mà chất lượng thì tệ; hậu quả bị khách quay lưng là nguy cơ lơ lửng. Đây là câu chuyện không vui, nhưng hình như vẫn chưa có phương thuốc nào đặc trị (?).

Tôi có một người bạn làm nghề chạy xe ôm. Anh hay kể, có nhiều khi chở khách tham quan Huế, khi về, khách nhờ chở đi mua ít hàng hóa về làm quà, hạt sen, nón lá, mè xửng, tôm chua… thường là vậy. Anh chở khách đến nơi bán, rồi đứng đợi. Trong lúc chờ người ta đóng hàng cho khách thì có người của cửa hàng ra dúi cho cái phong bì. Anh lắc đầu từ chối và yêu cầu họ thêm hàng cho khách cho hết cái phần hoa hồng này. Anh bảo với tôi, mình chở người ta mình đã lấy tiền xe rồi, ăn chi cái tiền hoa hồng rồi khách về thấy hàng của Huế quá đắt, quá ẹ. Mang tiếng cho Huế lắm. Rồi có khi người ta còn truyền tai nhau, không ai tới Huế thì mình cũng không có khách mà chở. Tôi ngồi nghe, ngẫm một người xe ôm như anh mà còn nghĩ được như thế, người chuyên sống bằng nghề du lịch sao nỡ thờ ơ?!

Làm ăn có lãi, nghĩ đến và chia sẻ cho guide chút thơm thảo là điều nhân văn và quá tốt. Nhưng nếu vì phải “thơm thảo” cho mới có khách, và buộc phải xà xẻo vào số lượng, phẩm cấp hàng hóa, dịch vụ thì là điều rất cần phải xem lại. Một món hàng đặc sản, lưu niệm có thể là nhỏ, nhưng đó là thương hiệu của mỗi địa phương, mỗi quốc gia có tác động đến du khách. Tạo được ấn tượng, thiện cảm thì sẽ có được sự lan tỏa và cơ hội níu chân khách quay lại lần sau, còn không thì ngược lại. Thu hút và giữ được chân khách, khẳng định thương hiệu điểm đến mới là cái lợi lớn và mang tầm chiến lược của vùng miền và đất nước. Còn “hoa hồng”, “lại quả” là cái lợi nhỏ của chỉ cá nhân hay bộ phận. Cho nên, đã đến lúc cần xem lại câu chuyện này một cách đồng bộ, thống nhất ở tầm vĩ mô. Còn nếu thả cho từng địa phương, chắc chắn sẽ không bao giờ thu được hiệu quả.

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top