ClockThứ Bảy, 02/09/2023 07:58

Đến Huế du lịch mùa lễ hội

TTH - Không cần đắn đo đến Huế dịp nào để có nhiều trải nghiệm, du khách bây giờ thoải mái hơn trong việc lựa chọn thời gian, bởi đến Huế mùa nào cũng có thể hòa mình vào các lễ hội. Những kỳ nghỉ lễ, dịp cuối tuần, Huế sẽ không còn thiếu chỗ vui chơi, trải nghiệm.

Thành phố bốn mùa lễ hội

 Lễ hội áo dài Huế 2023 trong khuôn khổ lễ hội mùa thu Festival Huế 2023

Hút khách từ các lễ hội

Trước khi đặt vé bay về Huế, du khách Hà Thanh (TP. Hồ Chí Minh) lên mạng tìm hiểu lịch trình các hoạt động lễ hội ở Huế. Mới đây, chị cùng gia đình đã có dịp trải nghiệm tại không gian lễ hội áo dài bên dòng sông Hương thơ mộng với thật nhiều cảm xúc. Chị Thanh tấm tắc: “Du lịch mỗi nơi có một đặc trưng riêng, nhưng gia đình mình vẫn rất thích về Huế. Trước đây, mình thường băn khoăn chọn thời điểm du lịch Huế. Giờ thì thoải mái hơn vì Huế có bốn mùa lễ hội, chỉ cần rảnh là xách ba lô lên và đi”.

Huế đã đi qua hai mùa lễ hội là mùa xuân, mùa hạ của năm 2023 và đang diễn ra nhiều hoạt động của lễ hội mùa thu. Trên những tác động tích cực của các lễ hội, ngoài bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống hiệu quả, một điều khá ấn tượng từ ghi nhận của ban tổ chức lễ hội là sự xuất hiện nhiều hơn của du khách. Còn nhớ trong 3 ngày diễn ra Ngày hội Sen Huế 2023 (trong khuôn khổ lễ hội mùa hạ), ước tính đã có hàng vạn lượt du khách và người dân địa phương đến tham quan, trải nghiệm. Các gian hàng ẩm thực, đặc sản, hàng lưu niệm cũng có doanh thu rất đáng phấn khởi.

 Tham quan, trải nghiệm các gian hàng tại Ngày hội Sen Huế 2023

Chúng tôi gặp nhiều vị khách đến Huế du lịch. Phần đông trong số ấy cũng có những chia sẻ như chị Hà Thanh. Cũng chính sự lựa chọn đó, những gam màu tươi sáng trên đà phục hồi, phát triển du lịch Huế hiện lên thật rõ. Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt 1.870.703 lượt, tăng hơn 76,26% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 606.803 lượt, tăng hơn 1.126,19% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách lưu trú ước đạt 978.955 lượt, tăng 60,7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 4.251 tỷ đồng, tăng hơn 91,92% so với cùng kỳ năm trước.

Ngồi trò chuyện với nhiều vị khách, điểm thú vị là không ít trường hợp có thể kể vanh vách những lễ hội truyền thống, đặc trưng của Huế. Anh Nguyễn Hải An, du khách từ Bình Dương liệt kê: “Về Huế đầu năm thì có lễ hội đền Huyền Trân, lễ hội vật Thủ Lễ, vật làng Sình; đu tiên, đua ghe, đua trải. Mùa hè có lễ hội sen, lễ hội diều. Mùa thu có lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội điện Huệ Nam, các chương trình lễ hội Lân gắn với Trung thu. Dù mùa đông ở Huế mưa lạnh, nhưng cũng có những hoạt động lễ hội được tổ chức thường xuyên”.

Thêm lý do để khách đến Huế

Việc phục hồi, gìn giữ và phát triển lễ hội không chỉ ý nghĩa lớn về mặt xã hội, nhân văn, thẩm mỹ mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Tại Huế, nhiều lễ hội đã được khai thác để phục vụ du lịch, đặc biệt với thành công của Festival Huế bắt đầu từ năm 2000 và Festival Nghề truyền thống Huế từ 2005. Sự kết hợp giữa lễ hội và du lịch đã tạo thành một thế mạnh, nâng tầm cho du lịch văn hóa Cố đô.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh và Ban tổ chức Festival Huế, trong kế hoạch tổ chức lễ hội bốn mùa, tỉnh sẽ chú trọng lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng cao. Các chuỗi hoạt động của bốn mùa lễ hội trong năm cũng sẽ được sắp xếp hợp lý, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hai năm tổ chức Festival theo định hướng lễ hội bốn mùa (2022, 2023) để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Để hút khách hơn nữa, những năm tiếp theo tỉnh sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ để nâng cao chất lượng các chương trình, lễ hội.

Vai trò của du lịch lễ hội ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội khiến địa phương nào cũng ưu tiên và tập trung tổ chức lễ hội. Điều đó ít nhiều sẽ tạo ra tính cạnh tranh trong việc thu hút khách và doanh thu của điểm đến. Nhưng thách thức luôn đi kèm với cơ hội nếu các địa phương, đơn vị tổ chức biết cách thay đổi hợp với nhu cầu của du khách. Khi Thừa Thiên Huế chuyển sang tổ chức lễ hội theo hướng bốn mùa để khai thác du lịch, sự đổi mới cần phải liên tục. Bên cạnh đó, công tác quảng bá lễ hội phải được thực hiện chuyên nghiệp hơn.

Nhiều dòng khách khác nhau sẽ có mối quan tâm khác nhau. Nhưng nếu tăng thêm sản phẩm hấp dẫn, khách sẽ có thêm lý do để đến Huế. Điều này đòi hỏi đơn vị tổ chức phải khoanh vùng đối tượng khách, lựa chọn thị trường trọng điểm để hình thành các dịch vụ phù hợp. Và, nếu Thừa Thiên Huế có chiến lược đúng đắn, hiệu quả sẽ vươn lên thành điểm đến của lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lễ hội là thành tố quan trọng của sản phẩm du lịch văn hóa. Thời gian đến, ngành du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương để phát huy hơn nữa sản phẩm được đánh giá có thế mạnh này. Quan trọng là kết nối của doanh nghiệp để xây dựng tour tuyến phù hợp với từng lễ hội.

Dịp lễ 2/9 năm nay, du khách cũng có thể có những trải nghiệm các hoạt động, lễ hội ở Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý, trong ngày 2/9, khách có thể đến bờ sông Hương để xem lễ hội đua thuyền truyền thống. Trong ngày 1-2/9, huyện A Lưới sẽ tổ chức chợ phiên vùng cao “Nơi hội tụ sắc màu văn hóa”. Tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn sẽ diễn ra trong 3 đêm cuối tuần từ ngày 1-3/9 cùng các hoạt động đua ghe, liên hoan nghệ thuật quần chúng. Ngoài ra, đến Huế trải nghiệm du lịch trong kỳ nghỉ lễ 2/9, du khách nội địa còn được miễn vé tham quan các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.


Bài, ảnh: Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top