|
Vui với trò bài vụ. Ảnh: Th.Thủy |
Giới thiệu với du khách về đời sống trong Hoàng cung triều Nguyễn, đồng thời làm sống lại những trò vui đặc sắc của Huế xưa, đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lại một số trò chơi này trong chương trình nghệ thuật Đêm Hoàng Cung, sau đó là trong những hoạt động văn hóa tập trung nhiều du khách và nay là trong buổi sáng đầu tiên của năm mới Nguyên đán. Đây đều là những thú chơi hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia và không mang tính đỏ đen, sát phạt: đổ xăm hường, bài vụ và đầu hồ. Sân điện Thái Hòa là nơi du khách có thể dừng chân để trải nghiệm đầu xuân.
|
Các “cung nữ” sẵn sàng hướng dẫn du khách đổ xăm hường. Ảnh:Th.Thủy |
Sáng mồng Một, đổi lịch thăm ông bà cho chồng, tôi cùng cậu con trai 8 tuổi chọn hướng xuất hành vào Đại Nội. Để có được người bạn đồng hành ấy, tôi đã phải “vẽ” cho con thử đủ cảm giác với các hội múa lân – sư - rồng, múa võ thuật, xem đội lính đổi gác và cả những cuốc xe ngựa lóc cóc quanh Hoàng Thành. Cuối cùng, những “món” ấy háo hức lại không hấp dẫn con trai bằng những trò chơi lạ hoắc lần đầu tiên được thấy, là bài vụ với những hình bầu cua tôm cá ngộ nghĩnh, là đổ xăm hường với những chiếc thẻ ngà bên những hột súc sắc, “điền vào ô trống” trong thú thả thơ và cả cái cách đứng từ xa ném thẻ gỗ sao cho lọt miệng bình – trò đầu hồ. Không riêng chúng tôi, rất nhiều du khách trong và ngoài nước cũng bị níu chân bởi không gian này. Người trực tiếp chơi thì có hạn mà chờ đợi đến lượt, người tò mò, lạ lẫm đứng xem thì rất nhiều.
|
Thử sức với trò đầu hồ . Ảnh: Th.Thủy |
Tôi và con trai dừng lại lâu bên trò đổ xăm hường. Mỗi bộ xăm hường gồm 63 chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ. Người chơi lần lượt gieo 6 con súc sắc để giành những chiếc thẻ ấy, trên đó có ghi các học vị từ thấp đến cao trong hệ thống khoa cử thời xưa, gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Sẽ còn rất lâu để con trai có thể hiểu hết ý nghĩa của những học vị ấy nhưng ít ra, bé cũng biết được rằng, đó là tên gọi các bậc học thủa trước và trò chơi này là một cách để người xưa thể hiện ước vọng khoa bảng.
TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế cho biết, thuở xưa, trò chơi này xuất phát từ trong cung vua Nguyễn, về sau phổ biến trong dinh thự của các vương tôn, công tử, quan lại rồi lan truyền ra dân gian. Ðiều thú vị là hoàn toàn không có tính sát phạt trong trò chơi đổ xăm hường mà chủ yếu nhờ vào sự may rủi. Người ta thường chơi xăm hường trong những dịp đầu xuân, vừa giải trí vừa để thử vận hên xui trong năm. Ông cũng từng dùng từ “nghề chơi” để miêu tả về những trò chơi của người Huế, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trên như vua chúa, quý tộc, quan lại... Ông bảo, cái nghề ấy thật công phu. Nhiều trò chơi và thú tiêu khiển vốn xuất xứ từ nơi thôn dã, đã được lớp người quyền quý ở Huế tiếp nhận và cải biên cho phù hợp với nếp sống thượng lưu của họ. Ngược lại, chính họ cũng là những người khởi xướng các các trò chơi và thú tiêu khiển mới để phục vụ cho nhu cầu giải trí của giai cấp mình. Những thú vui ấy, ngoài mục đích tiêu khiển, giải trí, còn nhằm để khoa trương tài nghệ, óc thẩm mỹ tinh tế, sự tinh xảo, khéo léo và cả tri thức, học vấn của người dự cuộc. Đầu hồ, bài vụ, xăm hường, thả thơ… là những thú chơi điển hình đó.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng chia sẻ: Cuộc sống đương đại với rất nhiều hình thức giải trí, nhưng các trò chơi, trò diễn truyền thống vẫn có một ưu thế riêng, đó là tính “mới trong cũ”, “lạ trong quen”. Các trò vừa thu hút được người tham gia trực tiếp, vừa hấp dẫn được người xem để rồi tự nhiên mà thành một “tiết mục sân khấu” có hàm lượng thông tin văn hóa. Với những trò chơi cung đình được tái hiện trong Đại Nội, cả người địa phương, du khách trong nước hay quốc tế đều rất hào hứng.
Xuân mới đang về. Chọn hướng xuất hành vào Đại Nội, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị về Tết Huế và gần hơn một chút về đời sống cung đình xưa từ những trò chơi lạ mà quen ấy.
Đồng Văn