ClockThứ Bảy, 24/10/2015 20:55

“TREKKING”, sản phẩm du lịch hấp dẫn

TTH - Gần đây, loại hình du lịch "trekking" ở huyện A Lưới rất được du khách nước ngoài yêu chuộng và đánh giá cao.

Hành trình của chuyến trekking là những con đường rừng khó đi.

Hành trình khám phá

Liên hệ với anh Trần Thiện Đức (Huetourist) vừa có chuyến đi cùng đoàn khách Đức đến A Lưới, anh kể rất nhiều cho chúng tôi nghe, về chuyến trekking rừng núi mà như lời anh nói đó là một hành trình khám phá dãy Trường Sơn thật sự.

“Chuyến trekking được khởi hành khoảng 8 giờ sáng, khi mặt trời đã lên cao và sương mù cũng tan hết. Trước khi đi, hành trang được chuẩn bị rất kỹ, gồm nước uống, thức ăn, bạt… đặc biệt là rựa để phát quang đường đi. Biết mùa này trong rừng có rất nhiều vắt nên cả đoàn không quên mang theo tất tay và kem bôi để khỏi bị cắn. Dù đã có hướng dẫn viên (HDV), nhưng vì lần đầu vào rừng sâu nên có thêm một HDV địa phương dẫn đường cho cả đoàn. Đi khoảng 1km từ điểm xuất phát là đến chân ngọn đồi đầu tiên. Từ dưới nhìn lên, chúng tôi biết chuyến trekking này sẽ không hề dễ dàng, dốc dựng đứng và cao khoảng vài trăm mét. Lúc đó, các thành viên đều tỏ ra hăng hái, muốn chinh phục ngọn đồi thì tôi cũng yên tâm phần nào” - anh Đức bắt đầu câu chuyện.

Du khách tham gia trò đu dây như "người rừng".

Một số vật dụng cần mang theo khi trekking: Lều trại, dụng cụ đi rừng như dao, bật lửa, la bàn, bản đồ, kem chống muỗi, vắt. Giày leo núi, gậy leo núi, áo khoác, áo len giữ ấm. Thức ăn và có thể cả nồi niêu để nấu ăn trong rừng...
“Chúng tôi leo khoảng 3 lần dốc như thế thì đến được điểm nghỉ chân đầu tiên, ai cũng thấy hụt hơi và đôi chân có cảm giác như “đeo đá”. Có lên đỉnh núi mới thấy tuyệt vời, bao nhiêu mệt mỏi tan biến, một cảm giác sảng khoái khó tả khi xung quanh chỉ toàn rừng với rừng, những dãy núi trùng điệp cứ uốn lượn vào nhau. Rồi tiếng chim hót gọi bầy, thi thoảng lại có một chú sóc nhảy qua ngay trên đầu khiến các thành viên vô cùng phấn khích, hiếm khi có thể lại gần động vật hoang dã ở khoảng cách như thế”.

Những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn này từng là đường hành quân của bộ đội Việt Nam, cũng là con đường hậu cần, vận lương, tải đạn trong kháng chiến càng làm tăng tính thú vị cho chuyến trekking. Dọc đường đi là những phế tích chiến tranh còn lại, những căn hầm kháng chiến, những chiến hào trong lịch sử… Các hình ảnh về chiến tranh được tái hiện, những câu chuyện về những trận đánh ở đồi Thịt Băm, về thung lũng A Sầu,… được kể lại, sự bi tráng cộng với cảnh vật thực tế như thôi thúc cả đoàn tiếp tục hành trình quay về với lịch sử.

Đi được hơn 5km đường rừng núi thì cả đoàn đến được điểm dừng chân cuối cùng, ai cũng cảm thấy mệt thật sự, sự hăng hái ban đầu cũng dần bị thay thế bởi những tiếng thở gấp. Sau ít thời gian nghỉ ngơi, cả đoàn bắt đầu đi xuống theo một con đường khác, dù sao thì đi xuống cùng đỡ tốn sức hơn, nên ai cũng thấy thoải mái.

Tiếp tục nhân rộng

Trekking là loại hình du lịch vừa mạo hiểm vừa như một môn thể thao, người đi di chuyển bằng đôi chân. Những chặng đường trekking thường hoang sơ nhưng cũng nhiều thú vị bất ngờ như: rừng, núi, bản làng xa trung tâm không có phương tiện giao thông. Để hoàn thành phải mất nhiều thời gian, vất vả, thậm chí là cả nguy hiểm. Giá trị lớn nhất mà những chuyến trekking mang lại là giúp rèn luyện sức khỏe thân thể, tính kiên nhẫn, cảm giác được chinh phục và hòa mình vào thiên nhiên hoang dã.

Ý kiến đánh giá của du khách như thế nào về những chuyến trekking đó? Anh Đức nói: “Tất nhiên là thích lắm khi được khám phá những điều thú vị như vậy. Nhiều du khách bảo ở nước họ không có những cảnh quan và địa hình như ở A Lưới nên đây là lần đầu họ vào trong rừng. Không chỉ được hòa mình cùng thiên nhiên mà còn biết hơn về đời sống của người dân nơi đây và cả những ký ức oai hùng của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh”.

Trò chuyện với ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist, chúng tôi biết được để xây dựng một sản phẩm mới như trekking ở A Lưới là một quá trình tìm hiểu, thăm dò và có những chuyến khảo sát thực địa. Ông Hào chia sẻ: “Trước tiên, khi xây dựng tour thì cần nắm bắt nguồn khách, từng thị trường khác nhau, liệu du khách có thích khi tham gia. Chẳng hạn như khách nội địa và một số quốc gia cũng có nhiều núi rừng thì áp dụng tour này sẽ không hiệu quả, còn một số quốc gia châu Âu, như Đức, Hà Lan núi rừng ít, địa hình thấp hơn cả mặt nước biển thì họ rất thích”.

“Dù mới triển khai, song tour trekking ở huyện A Lưới được du khách quan tâm. Trung bình mỗi tháng, Huetourist đón được khoảng 2 đoàn tham gia. Sau khi xây dựng được tour ở A Lưới và tạo được thương hiệu, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy để triển khai tour trekking ở Bạch Mã. Quan trọng là tạo được cảm giác lạ lẫm, độc đáo cho du khách. Đồng thời, sẽ xúc tiến mạnh vào hai thị trường khách ở châu Âu là Hà Lan và Đức và có hướng tiếp cận cả khách Pháp. Vì các quốc gia này có đặc điểm địa hình khác biệt với Huế, núi rừng ít”, ông Trần Quang Hào cho hay.

Bà Lê Thị Thêm, Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho biết: “Tour du lịch sinh thái nói chung và đi bộ khám phá núi rừng được du khách đánh giá rất cao. Nhằm tăng tính hấp dẫn và thu hút khách hơn thì thời gian đến, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư, xúc tiến đặc biệt là tận dụng mọi kênh thông tin như internet và hệ thống báo đài để quảng bá cho sản phẩm này lịch này đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top