Phát triển chưa tương xứng
Đến Huế nhiều lần, gia đình bà Đoàn Thị Như Mai (Vũng Tàu) muốn khám phá các làng nghề truyền thống của Huế. Khi tham quan tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, nhìn vẻ thích thú của họ khi được tự tay hòa màu, in cho mình bức tranh mang về làm kỷ niệm hay học cách làm hoa sen giấy Thanh Tiên, mới thấy sức hấp dẫn của các làng nghề với du khách. Họ còn ao ước và muốn tham quan làng nón và cả nghề gốm ở Phước Tích. Tiếc vì quá xa, trong khi thời gian không cho phép nên họ đành hẹn lần sau.
|
Sản phẩm gốm Phước Tích
|
Theo đánh giá của các hãng lữ hành, tiềm năng phát triển du lịch ở các làng nghề rất lớn. Du lịch làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Nhiều công ty lữ hành đều lồng ghép đưa làng nghề vào chương trình tham quan của du khách. Cá biệt, Công ty du lịch Vietravel xây dựng tour riêng cho sản phẩm du lịch làng nghề gốm Phước Tích (Phong Điền), đan lát Bao La (Quảng Điền) kết hợp với phá Tam Giang hay đi thuyền về làng Sình và Thanh Tiên.
Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du lịch làng nghề phát triển chưa mạnh, còn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Nếu xét về tiêu chí của một làng nghề, Thừa Thiên Huế chưa có làng nào đủ điều kiện. Ít nhất phải có 30% hộ dân trong làng làm nghề thì khách mới được trải nghiệm đầy đủ không khí của làng nghề. Trong khi đó, phần lớn các làng nghề làm du lịch ở tỉnh ta hiện chỉ mới một vài hộ dân tham gia, không thể phục vụ xuể khi tấp nập khách. Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nên điều kiện trải nghiệm của khách có phần hạn chế.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty du lịch Vietnamtourism chi nhánh Huế cũng cho rằng, gọi là làng nghề nhưng quy mô quá nhỏ. Ví như, tranh làng Sình chỉ có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Hoa sen giấy Thanh Tiên có vài gia đình tiêu biểu tham gia, nhưng chỉ có nghệ nhân Thân Văn Huy có cách làm du lịch chuyên nghiệp. Mỗi buổi, ông cũng chỉ phục vụ được một đoàn.
Cách làm du lịch của các làng nghề cũng chỉ mới “hữu xạ tự nhiên hương”. Các hãng lữ hành thấy hay và đưa khách về. Thế nên, việc phát triển du lịch ở đây chưa tương xứng với tiềm năng và có phần mang tính tự phát, chưa có quy mô, bài bản để xây dựng thành một sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh. Các làng nghề chưa chủ động kết nối với các hãng lữ hành nên sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi. Họ thiếu “nhạc trưởng” làm công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm và tìm kiếm nguồn khách nên hoàn toàn bị động.
Theo bà Công Lý, một điểm yếu nữa là các làng nghề của Thừa Thiên Huế không tập trung. Khoảng cách quá xa nhau nên các đơn vị lữ hành khó xây dựng được tour chuyên về làng nghề khi gặp khó khăn trong việc phân bố thời gian và chi phí xe cộ đi lại.
Chủ động kết nối, quảng bá
Theo ông Trần Viết Lực, các làng nghề cần chủ động tiếp cận, liên kết với các đơn vị lữ hành để chào bán sản phẩm. Các hãng lữ hành sẽ là kênh tuyên truyền quảng bá tốt nhất để du khách biết đến làng nghề nhiều hơn. Để làm được điều đó, cần có “nhạc trưởng”, có thể là những người đứng đầu hợp tác xã hoặc chính quyền địa phương có làng nghề.
Ông Lực cho rằng, một vấn đề cốt lõi là giải quyết thỏa đáng vấn đề lợi ích giữa doanh nghiệp với người dân làng nghề. Các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng các làng nghề phải có sự cam kết về phân chia lợi ích kinh tế hài hòa để đảm bảo làng nghề vẫn duy trì phát triển và doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm du lịch của mình, có quy chế phối hợp để phục vụ khách chu đáo.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chi nhánh Huế trăn trở, sản phẩm của làng nghề vẫn chưa đa dạng, chưa tiệm cận với nhu cầu của khách du lịch. Nhiều làng nghề chưa sản xuất những sản phẩm nhỏ, ấn tượng với khách, giá cả phải chăng nhưng mang tính quảng bá cao để khách mua làm quà lưu niệm. Nếu xác định để làm du lịch, các làng nghề phải thay đổi giá bán và mẫu mã sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Để có sản phẩm thực sự thu hút, các làng nghề cần kết nối với các đơn vị lữ hành, đưa vào danh mục hàng đặc sản của Huế và quảng bá rộng rãi. Khi khách tiếp cận với sản phẩm và thu hút được họ thì khách sẽ muốn đến tận nơi để tìm hiểu quy trình làm ra sản phẩm.
Ông Khánh cho rằng, quy mô một số làng nghề như làng Sình và Thanh Tiên chưa thể phục vụ lượng khách du lịch lớn. Các làng nghề cần có không gian trình diễn để phô bày tinh hoa của nghề. Khi khách được xem tận mắt quy trình sản xuất sẽ đánh thức mọi giác quan của họ, họ thích thú được làm một công đoạn của quy trình và chắc chắn sẽ mua sản phẩm.
Tuy nhiên, bản thân các làng nghề khó làm được những điều trên mà cần có sự tác động, định hướng của chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và các đơn vị lữ hành. Các ban ngành liên quan cũng cần nghiên cứu thị trường, thuộc tính của từng loại khách để làng nghề có cơ hội tận dụng những đặc tính đó để phát triển du lịch.