Tạo hồn cho nông cụ
Từng hiện vật, câu chuyện là một niềm vui, nỗi trăn trở, sự gửi gắm tâm tư, tình cảm và thông điệp đến du khách. Chẳng hạn, cái trách (hay còn gọi là tréc, được làm bằng đất nung dùng để nấu cơm, nấu canh và kho cá) được ông Nguyễn Quang Uyển (thôn Thanh Thủy Chánh) kể lại: “Lúc xưa tôm cá đầy đồng chỉ cần vài ba thứ dụng cụ ra ruộng là kiếm được vài ba con cá về ăn. Bởi vậy, cái tréc khi mô cũng cần, nhà mô cũng có. Cá kho trong tréc thì ăn được nhiều cơm lắm. Làm một tréc cá, ăn tới ăn lui mấy ngày vẫn thấy ngon. Bởi vậy, ông bà hay có câu “cơm với cá như mạ với con””. Mộc mạc và gần gũi hơn khi không gian trưng bày đậm hồn quê này luôn vang lên tiếng hò ngọt ngào và sâu lắng của người dân Thanh Toàn.
Cuối nhà trưng bày là không gian trình diễn. Một đoàn khách Tây đang thích thú trải nghiệm. Với sự giới thiệu, hướng dẫn chân chất của mệ Hấu, mỗi người thay nhau xay lúa, giã gạo, chằm nón, ru con... Thú vị đến nỗi, họ không ngăn được tiếng cười nắc nẻ. Niall Gilliland, một du khách đến từ nước Anh, vui vẻ: “Thật ấn tượng khi lần đầu tiên được chứng kiến các vật dụng, cảnh sinh hoạt của người nông dân Việt Nam thuở xưa. Người dân Thanh Toàn bây giờ vẫn giữ được vẻ chất phác, thân thiện và mến khách. Tour tham quan này giúp tôi hiểu và biết rõ hơn văn hóa, lịch sử làng quê của người Việt”.
|
Du khách trải nghiệm kỹ năng xay lúa
|
Nhà trưng bày này còn là nơi giới thiệu đời sống văn hóa của người dân Thanh Toàn. Khác cách trưng bày “tĩnh” với thông tin khô khan trong bảo tàng ở nhiều địa phương, Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn sử dụng cách tiếp cận “động” và “xác thực”. “Động” thể hiện ở phương pháp người trong cuộc kể chuyện: mỗi bài viết, lời nói và chú thích là một sự đối thoại về văn hóa. Xác thực ở chỗ, trưng bày sử dụng hiện vật gốc, không phục dựng, tái tạo mà là những vật dụng được dùng trong đời sống thường ngày do người dân nhượng lại hoặc hiến tặng, được sưu tầm ngay tại cộng đồng. Những câu chuyện, ký ức hoặc tri thức được trưng bày kèm hiện vật đều do chính người dân trong vùng kể lại. Tính xác thực cũng thể hiện ở chỗ, một số người đại diện cộng đồng tham gia giới thiệu và trình diễn ngay tại nhà trưng bày để du khách thưởng ngoạn; trở thành cầu nối trong cuộc đối thoại văn hóa giữa các nhân vật trên trưng bày, những thành viên tham gia thuyết minh, trình diễn với du khách.
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, cho hay: “Cách tiếp cận này dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người dân Thanh Toàn. Đây là điểm khác biệt làm nên bản sắc của nhà trưng bày nông cụ như là một bảo tàng sống của người dân Thanh Toàn, giới thiệu cho khách tham quan biết về lịch sử, văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân trước đây cũng như bây giờ”.
Mở rộng không gian trải nghiệm
Ông Nguyễn Mậu Hòa cho biết: “Trong quá trình triển khai đề án, nhóm thành viên nòng cốt đã tham gia xây dựng nội dung trưng bày, khảo sát lại toàn bộ nhà trưng bày, kiểm kê và lập hồ sơ thông tin sưu tập, thảo luận đề cương, phác thảo thông điệp và nội dung cụ thể cho từng bài viết trưng bày. Khoảng 200 hiện vật và gần 100 ảnh đã được chọn ra để trưng bày theo bốn chủ đề: lịch sử và văn hóa làng Thanh Toàn; nghề nông; đánh bắt cá và đời sống thường ngày. Chúng tôi đến tận nhà những người dân đã nhượng lại, hiến tặng các hiện vật cho bảo tàng ghi lại các câu chuyện, ký ức và thông tin liên quan đến hiện vật để viết thành bài viết gắn với các chủ đề lớn cũng như hiện vật trong trưng bày”.
Theo ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủy Thanh là đơn vị cấp xã duy nhất trên toàn quốc có mô hình nhà trưng bày nông cụ nhằm trưng bày, giới thiệu về lịch sử truyền thống của làng, những nét văn hóa đặc trưng của nông thôn Việt Nam thông qua việc sưu tầm các hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa nông thôn và những nông ngư cụ gắn với nền văn minh lúa nước. Điều này góp phần tạo điểm nhấn cho điểm đến với những câu chuyện và giá trị của làng Thanh Toàn được diễn giải một cách sinh động.
Ông Lê Minh, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Saigontourist tại Huế cho rằng, để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách thì không gian của nhà trưng bày không đủ, nên hoàn chỉnh không gian trải nghiệm của du khách để họ được hóa thân thành nông dân thật sự. Như vậy, khách sẽ thích thú hơn là chỉ tham quan, nghe thuyết minh và xem trình diễn. Theo ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Viettravel chi nhánh Huế, ngoài khu vực trưng bày, có thể mở rộng khu quảng diễn ra bờ sông bằng những hoạt động thật sống động để thu hút du khách.
Ông Nguyễn Mậu Hòa cho biết thêm, sắp tới, sẽ tổ chức các dịch vụ xung quanh nhà trưng bày nông cụ, như: du khách trải nghiệm chế biến và thưởng thức ẩm thực miền quê cùng với người dân, phục dựng lại bài chòi và các trò chơi dân gian khác... Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty du lịch Huetourist đề xuất: “Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng tham gia vào đây như một nhà đầu tư, có thể là xây dựng không gian lưu trú trong dân hoặc một điểm trải nghiệm thực tế… để làm phong phú hơn các dịch vụ ở đây”.