Câu chuyện mà Đỗ Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung chia sẻ trên Facebook của chị đã làm tôi dừng lại. Có một cảm giác gì đó len lỏi trong suy nghĩ.
|
Trình diễn nghề gốm tại Festival nghề truyền thống 2013
|
Thật ra mà nói, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công nghệ để cải tiến lao động, tăng năng suất sản phẩm làng nghề và cải thiện đời sống của người lao động đã được nhiều địa phương áp dụng và cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây là điều có thể thấy rõ khi cả nước có trên dưới 2.790 làng nghề khác nhau với khoảng 1,42 triệu hộ gia đình tham gia, trong đó có khoảng 1,35 triệu lao động chính và hàng triệu lao động phụ trong lúc nông nhàn. Một con số đáng lưu ý là tại nhiều làng nghề, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ đạt từ 60% - 80% và ngành nông nghiệp chỉ đạt 20% - 40%. Việc sản xuất sản phẩm hàng loạt như làng nghề Thiết Ứng có cái được ở chỗ đáp ứng được đơn hàng (cả về số lượng và thời gian). Đây cũng là yếu tố mà nếu không có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhiều cơ sở, doanh nghiệp không thể nào đáp ứng ngay được...
Tuy nhiên, việc hiện đại hóa công nghệ truyền thống, truyền thống hóa công nghệ hiện đại theo góc nhìn của chúng tôi thì có lẽ nên tập trung đầu tư nhiều hơn cho các công đoạn trong công nghệ, độ bền của sản phẩm, trong bảo vệ môi trường làng nghề, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như nâng nhận thức và hỗ trợ người dân trong kỹ năng về thương mại điện tử để có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng hơn, xa hơn... thay vì nhân bản sản phẩm làng nghề. Ở một cách nhìn khác, có lẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nhân bản sản phẩm làng nghề cũng nên được phân vùng, phân tuyến và phân loại vì nếu sản xuất đại trà, thiếu quy hoạch, rất dễ dẫn đến ứ đọng vì không còn thị trường.
Trong một cái nhìn liên quan, số liệu mà TS Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch Thừa Thiên Huế đưa ra trong tham luận của mình tại hội thảo nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch cho thấy, toàn tỉnh hiện có 88/200 làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có 69 làng nghề truyền thống đang hoạt động. Nghề và sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống Huế như mộc mỹ nghệ, sơn mài, sơn son thếp vàng, khảm trai, pháp lam, điêu khắc, mây tre đan, hoa giấy... còn giữ được độ tinh xảo và nét tài hoa của người thợ thủ công trên từng sản phẩm nghề. Vì thế, nó cũng được xem là một tài nguyên du lịch và tỉnh, thành phố cũng đã có kế hoạch, định hướng để làng nghề phát triển khi kết nối với du lịch, tạo nên những tour, tuyến tham quan sinh động trong những không gian nghề bên cạnh các điểm đến đã được định hình về di sản, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử.
Ở phương diện phát triển nghề và sản phẩm làng nghề, vấn đề của làng nghề Huế hiện nay là thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, vốn và trang thiết bị còn nghèo, mặt bằng sản xuất chưa được đầu tư, môi trường làng nghề chưa được quan tâm thấu đáo và một số nghề, làng nghề đã mai một, đội ngũ thợ lành nghề cũng đã vơi vớt và có sự dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố khác... và đây đang là những tồn tại vẫn đang được tìm cách, tìm hướng tháo gỡ. Trên phương diện là một tài nguyên du lịch, có thể nhận thấy, tài nguyên này đã được nhìn thấy, đã được khẳng định nhưng việc kết nối giữa sản phẩm của làng nghề, không gian nghề với hoạt động du lịch, tham quan, khám phá ... như thế nào vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính vì thế, những nỗ lực của các Festival Huế hay Festival Nghề truyền thống mà ở đó, sản phẩm của làng nghề thực sự được tôn vinh vẫn chỉ là những nỗ lực từ phía chính quyền. Thiếu sự hợp tác, đầu tư vào cuộc có quy mô, nên các sản phẩm của làng nghề dẫu có long lanh, dẫu lấy được bao nhiêu xuýt xoa, tần ngần của khách thưởng lãm và thật sự được vinh danh... cũng chỉ là những cuộc trình làng rồi thôi.
Khác với tài nguyên từ trong lòng đất, tài nguyên của làng nghề không còn lại, không là mãi mãi và sẽ vơi vớt theo năm tháng nếu không được chăm sóc, không được truyền dạy...