ClockThứ Bảy, 24/01/2015 06:10

Làm mới và quản lý “điểm đến”

TTH -

Cạnh tranh “khốc liệt”

Trước đây, khi kể đến các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, người ta thường nhắc đến: Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Huế, Vũng Tàu, Quảng Ninh. Bây giờ, ngay trong khu vực miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam đã trở thành những điểm đến hấp dẫn, những nhân tố mới như Quảng Bình, Ninh Bình nổi lên như là điểm đến sáng.
Đón tiếp du khách niềm nở, thân thiện
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Hiện, cạnh tranh điểm đến diễn ra vô cùng khốc liệt. Điều đó đặt Thừa Thiên Huế đứng trước thách thức lớn. Nếu không quản lý tốt, có những ý tưởng làm mới điểm đến chắc chắn chúng ta sẽ bị tụt hậu. Cần phải nhìn thấy du lịch Huế đang ở đâu, có những thành công, gặp trở ngại gì để tìm ra giải pháp giữ vững vị thế”.
Theo ông Lê Hữu Minh, để quản lý điểm đến thành công, phải tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch, các cơ sở khai thác du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và tạo ra môi trường du lịch thân thiện, an toàn, hấp dẫn. Sản phẩm của Thừa Thiên Huế rất phong phú. Vấn đề là ở chỗ chưa hoàn thiện, đồng bộ. Một số nơi chất lượng dịch vụ còn kém, thái độ thiếu thân thiện. Gần đây, công tác xúc tiến quảng bá rất được chú trọng, tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm, trình độ năng lực cũng là trở lực để xúc tiến quảng bá hiệu quả.

Du khách chiêm ngưỡng hoa giấy Thanh Tiên, Phú Mậu

 
Tổ chức bộ máy quản lý
Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO, điểm đến có thể là 1 đất nước, 1 thành phố, 1 ngôi làng, 1 chỗ dừng chân, 1 khách sạn… Quản lý điểm đến bao gồm tất cả mọi thứ liên quan đến kinh nghiệm của khách du lịch, như: thông tin, an toàn; phân bổ nguồn lực; tiếp thị điểm đến; sự hỗ trợ và cam kết của cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên; sự phối hợp của các quy định ảnh hưởng đến du lịch.
Theo ông Randy, chuyên gia về du lịch của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, cần tổ chức bộ máy (thành lập ban quản lý) để quản lý điểm đến hiệu quả. Ngoài nòng cốt là cơ quan quản lý Nhà nước còn có sự tham gia, phối kết hợp của các thành phần đại diện cho các bên, cá nhân liên quan đến du lịch, như các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương, cộng đồng người dân... Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Khách sạn Mondial cho rằng, trong ban quản lý rất cần những người có chuyên môn và làm việc chuyên nghiệp.
Trong quản lý điểm đến, ông Randy khuyến nghị Thừa Thiên Huế nên tham khảo, đưa ra danh mục các tiêu chuẩn, tiêu chí: “Hiện nay đã có những tiêu chuẩn được quy định ở cấp quốc tế, quốc gia. Ví như, Thái Lan ban hành bộ tiêu chuẩn cụ thể quy định những tiêu chuẩn về ẩm thực, nhà hàng, nhân viên khách sạn, người đạp xích lô, lái xe taxi, lái thuyền... Đây là công cụ quản lý du lịch hữu hiệu. Hướng đến chất lượng dịch vụ, Thừa Thiên Huế nên tham khảo sử dụng những tiêu chí, tiêu chuẩn đó để áp dụng vào trường hợp cụ thể, hoàn cảnh thực tiễn”.
Bà Nguyễn Thị Huyền – điều phối viên của ILO cho rằng: “Điểm đến là một sản phẩm. Như bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường, nó cũng có vòng đời. Để các điểm đến ở Thừa Thiên Huế luôn phát triển, cần tìm hiểu nó hiện nằm vị thứ nào trên thị trường và trong chu kỳ phát triển, nó đang đi lên hay có khả năng thoái trào. Từ đó các nhà quản lý có những biện pháp, chính sách quản lý điểm đến của mình tốt hơn, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Huế có quần thể di tích và khách sẽ tự tìm đến. Muốn điểm đến có sức hút lâu dài, công tác xúc tiến quảng bá của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân đóng vai trò quan trọng”.
Bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong muốn sản phẩm du lịch của Huế đa dạng hơn và có nhiều thay đổi. Sự thay đổi nội tại tốt nhất là ở chính những người đang trực tiếp làm việc trong ngành du lịch: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, từ đó tạo ra sự thay đổi đối với cộng đồng”.
Con người luôn là điểm đến đầu tiên trong mọi điểm đến. Thế nên, từ nhân viên ở sân bay, người lái taxi đến các lễ tân khách sạn, nhân viên nhà hàng, xích lô, xe thồ... phải luôn đón chào khách niềm nở, thân thiện. Đây là những người tiếp xúc trực tiếp và đem lại ấn tượng tốt hay xấu cho du khách từ lúc đầu tiên đến lúc rời đi.
Ông Randy cho rằng, nên tìm hiểu nhu cầu thực sự của du khách và xem xét có thể cung cấp được gì cho khách. Ví như, mỗi điểm đến cần trang bị hệ thống các biển báo, một mặt cung cấp thông tin về đường đi, mặt khác giới thiệu thông tin về điểm đến tạo sự thú vị cho du khách.
Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top