Đã có nhiều sách vở ghi lại vẻ đẹp của núi Ngự Bình, nhất là hai câu ca đi vào lòng viễn khách: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong”. Hình ảnh Ngự Bình trên Nhân đỉnh phần nào khẳng định vị trí của ngọn núi này trong danh thắng cả nước. Trước đây, nhiều người cũng thường lên núi Ngự để thưởng trăng và ngắm phong cảnh thành phố nhưng thói quen này dần không còn vì nhiều lý do khác nhau.
|
Nhà bia hiện bị sụt lún, nứt đổ mái che
|
Theo sử sách ghi lại, năm 1838, nhân tiết trùng dương (ngày 9 tháng 9 âm lịch), vua Minh Mạng lên núi chơi và làm thơ ghi lại việc này. Như một thông lệ, dịp này về sau, các vua triều Nguyễn đều đến đây thưởng cảnh đẹp. Bài thơ “Bình lãnh đăng cao” của vua Thiệu Trị ra đời trong hoàn cảnh như thế và được khắc vào bia đá làm bằng đá Thanh, đặt trong nhà bia xây gạch kiểu vòm cuốn dưới chân núi Ngự. Ngày nay, bia nằm trong vườn nhà ông Tôn Thất Đính (phường An Cựu, TP Huế).
Theo ông Đính, đã có nhiều cơ quan chức năng đến thăm, đo đạc, ghi chép cẩn thận. “80 năm lập nghiệp và sinh sống ở đây, ông nội tôi đã biết giá trị của tấm bia và nhắc con cháu giữ gìn nguyên vẹn. Ngay chính quyền địa phương cũng dặn dò tôi tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu cũng như công tác trùng tu, tôn tạo”, ông Đính nói.
“Bình lãnh đăng cao” được vua Thiệu Trị làm vào “tháng bảy nhuận, năm Thiệu Trị thứ ba”, tức năm 1843. Bài thơ có hai phần: phần dẫn viết theo lối văn biền ngẫu, phần thơ viết theo thể Đường luật. Dù đã có nhiều tác giả giới thiệu bài thơ (phiên âm, dịch thơ, dịch nghĩa) in thành sách nhưng tại nhà ông Đính, chúng tôi được tiếp cận một bản chép tay do một người bạn của ông nội ông Đính thực hiện. Phần thơ được dịch như sau:
Nguy nga đỉnh Ngự áng thành nam
Tích cũ trong thơ tiết đẹp lành
Xe ngự bao lần đầu mở bước
Rượu nâng vạn tuế trước hô tam
Nhờ ân vũ trụ ngàn năm vững
Cây dáng núi cao vạn cảnh gom
Hiểm trở non sông thêm sức mạnh
Khí lành ngút giữa áng mây tan.
So với các bản dịch hiện nay, bản dịch nói trên chưa thật xuất sắc nhưng xét dưới góc độ một người dân thường cất công ghi ghép, gìn giữ suốt 80 năm qua cho thấy sự trân trọng của dân gian đối với bài Ngự chế nói trên.
Trong phần dẫn bài thơ, vẻ đẹp của Ngự Bình lúc ấy được vua Thiệu Trị miêu tả: “Đá chồng chót vót, tùng lão xanh non… Thật là thắng cảnh thứ mười hai của đất Thần kinh vậy”. Trải qua thăng trầm, cảnh vật của Ngự Bình đã khác xưa nhưng tấm bia đá 170 năm tuổi vẫn còn như chứng nhân của lịch sử. Tiếc là nhà bia đã sụt lún, mái che bị nứt đổ, cần phải bảo vệ kịp thời vì những công trình đặc biệt như thế này ngày càng ít đi theo thời gian.
TS. Phan Thanh Hải -Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế:
Chúng tôi đã biết thông tin về tấm bia này và đang tiến hành khảo sát. Đây là tấm bia khắc bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của núi Ngự Bình - một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh xưa. Tấm bia là di tích lịch sử của triều Nguyễn và chắc chắn cần phải được bảo vệ. Hiện nay, tấm bia đang nằm trong khu vực nhà dân, nên dù tấm bia có được công nhận là di tích lịch sử hay chưa, thì người dân cần có một phần trách nhiệm để bảo vệ, giữ gìn.
Là cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ kiểm tra một cách kỹ lưỡng, sau đó sẽ bàn phương án cụ thể bảo vệ tấm bia.
Đồng Văn
|