Liên hệ với Chủ tịch HND TP Huế để tìm hiểu về mô hình hay mà nông dân trên địa bàn đã và đang triển khai, ông Lê Khánh sốt sắng: “Lên Thủy Biều xem nông dân làm du lịch. Vừa mới, vừa thú vị, chắc chắn chị sẽ có thông tin hay để viết”. Đón tôi với nụ cười tươi rói, chị Tôn Nữ Quỳnh Tương, Chủ tịch Hội cơ sở vào thẳng vấn đề: “Chị em mình làm một tour trước. Vừa đi vừa nói chuyện. Đi thực tế em sẽ cảm, thấy, nhận được nhiều hơn”. Lời đề nghị như bắt đúng mạch. Chúng tôi lên đường trong tâm trạng háo hức, phấn chấn.
|
Tượng gỗ 13 ông vua triều Nguyễn thu hút sự chú ý của du khách
|
Tôi không còn nhớ đây là lần thứ mấy lên Thủy Biều, nhưng cứ mỗi lần đến đây, tôi đều có những xúc cảm khác nhau. Những lần trước, tôi không định hình được mình sẽ đi những thôn xóm nào, gặp những ai, bởi các bài viết đều đến rất tình cờ. Một đôi lần chủ ý nhưng có khi những người tôi gặp, phỏng vấn cũng nằm ngoài kế hoạch. Lần này lại khác, nắm rõ những địa chỉ tham quan, những nơi cần đến và những con người cần gặp, song tâm trạng vẫn lâng lâng, một cảm giác như mới lần đầu bước chân đến vùng đất này.
Từ UBND phường, theo con đường sạch bóng tinh tươm, xe chúng tôi từ từ chạy qua thôn Lương Quán, vùng đất nổi tiếng bởi trái thanh trà ngon ngọt. Người Thủy Biều cho biết, dù cùng là Thủy Biều nhưng không có nơi nào quả thanh trà thanh dịu, thơm ngon như ở đây. Có lẽ một phần là do nguồn nước, phần khác là nhờ đất đai tốt tươi, con người chăm chỉ. Đó cũng là căn nguyên khiến HND phường chọn làm điểm đến đầu tiên trong hành trình trải nghiệm cùng tour du lịch cộng đồng. Đi qua những vườn thanh trà đang mùa ra hoa, mùi hương thơm thoang thoảng, dễ chịu, khiến tôi không thể không bỏ khẩu trang dừng lại hít một hơi thật sâu như để thỏa cơn khát. “Em thấy thế nào, thú vị chứ?” Câu nói của chị Tôn Nữ Quỳnh Tương như kéo tôi về với thực tại. Đáp lại bằng cái gật đầu, tôi hỏi: “Mình còn đi những đâu, có gì hấp dẫn nữa không chị?” Cứ đi rồi em sẽ biết, chị Quỳnh Tương hất đầu về phía trước với ánh mắt tự tin.
Dừng lại trước nhà thờ Nguyễn Phước tộc, hệ 7, phòng 9, chúng tôi được chị Quỳnh Tương giới thiệu, đây là một trong những nhà thờ cổ xưa, còn giữ được những nét văn hóa độc đáo về kiến trúc cũng như văn hóa tâm linh. Đến đây, du khách được tham quan, tìm hiểu lịch sử hình thành dòng họ, từ các đời tổ tiên đến con cháu bây giờ. Khách cũng có thể thể hiện lòng thành kính bằng việc thắp hương và cầu nguyện điều tốt lành. Theo HND Thủy Biều, ngoài họ Hoàng, con cháu họ Nguyễn Phước cũng sinh sống trên đất Thủy Biều khá đông. Đa số họ đều học hành đỗ đạt, có nhiều người giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lý do HND Thủy Biều chọn đây là một trong những điểm đến cũng là để giới thiệu nét đẹp văn hóa, truyền thống hiếu học, uống nước nhớ nguồn của người dân Thủy Biều cũng như người Huế.
Theo bà Tôn Nữ Quỳnh Tương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều, tính khả thi của tour du lịch rất cao, bởi các tiềm năng, di tích văn hóa, lịch sử đều sẵn có, giá thành thấp, chưa tới 100 ngàn đồng/người/tuor, lại gần trung tâm TP Huế, có thể kết nối tour tuyến với các đơn vị lữ hành, du lịch trên địa bàn. Trong buổi đầu tiên đưa khách đến Thủy Biều, hầu hết du khách đều tỏ ra thích thú, nhiều người hứa hẹn sẽ đến lần sau cùng bạn bè, người thân. |
Rời nhà thờ Nguyễn Phước tộc, chúng tôi còn đến nhiều nơi trong và ngoài hành trình. Trong đó, điểm đến thu hút không ít sự tò mò tìm hiểu, khám phá là Hổ Quyền và điện Voi Ré. Chỉ với Hổ Quyền thôi cũng có thể làm nên một tour du lịch. Đến đây, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến đấu trường độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam, mà còn được tìm hiểu lịch sử, các giá trị nhân văn, truyền thống cũng như sự oai hùng, phồn thịnh của vương triều Nguyễn lúc bấy giờ. Hổ Quyền là nơi diễn ra những trận đấu giữa voi và hổ nhằm mục đích tế thần trong ngày hội, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí của vua, quan triều Nguyễn và người dân. Cách Hổ Quyền chừng 400m, điện Voi Ré hay còn gọi Long Châu miếu là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn.
Cuộc hành trình kết thúc ở cơ sở sản xuất trầm dó mỹ nghệ của anh Tôn Thất Tùng, cũng là con cháu của dòng họ Nguyễn Phước. Ngồi dưới hàng cây thanh trà xanh rợp bóng mát, thưởng thức những món ăn mang hương vị quê nhà. Tôi ước mình có thật nhiều thời gian để lần sau cùng với HND Thủy Biều làm thêm một tour du lịch nữa.