ClockThứ Hai, 20/01/2014 10:41

Liên kết phải sâu và đa diện

TTH - Chia sẻ, lắng nghe và trao đổi là những điều mà Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mong muốn để thực hiện tốt hơn việc liên kết, phát triển dịch vụ  tại cuộc “Gặp gỡ và trao đổi về hoạt động dịch vụ” tổ chức Duyệt Thị Đường vào một ngày cuối năm 2013. Thời gian chưa hẳn là đủ nhiều nhưng những ý kiến được bày tỏ và ghi nhận tại cuộc gặp gỡ này cũng cho thấy, cùng với những ghi nhận là những kỳ vọng...

Những con số tiềm năng

Thăm không gian trưng bày tại Tả Vu (Đại Nội Huế)

34.213 lượt khách, trong đó có 26.946 lượt khách quốc tế (không kể hàng nghìn lượt khách là học sinh, sinh viên và thầy cô giáo trong toàn quốc được miễn vé hoàn toàn) là số lượng mà các điểm tham quan thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã đạt được trong tuần lễ kích cầu diễn ra từ ngày 24 đến 30/12/2013. Với con số này, trong năm 2013, khu di tích Huế đã đạt con số 2,1 triệu lượt khách vào tham quan với tổng doanh thu từ vé là 127 tỷ đồng, vượt khoảng 22 tỷ đồng so với kế hoạch giao trong năm 2013.

Không chỉ ghi nhận những kết quả ban đầu từ việc đón và thu hút các nguồn khách thông qua việc mở rộng mối quan hệ phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn tỉnh và nối kết với các hãng lữ hành trong và ngoài khu vực, những con số trên cũng đồng thời ghi nhận cách nghĩ mới trong việc tăng nguồn thu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế. Mặt khác, điều này đồng thời cũng đòi hỏi một kế hoạch dài hơi hơn việc đầu tư và đẩy mạnh việc phát triển hoạt động ở lĩnh vực này. Đây cũng là cơ sở để tiến tới thành lập một trung tâm phát triển dịch vụ di tích Huế đã được UBND tỉnh quyết định thông qua vào cuối tháng 4/2013.
 
Thừa nhận nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch tại khu di tích Huế còn chiếm tỷ trọng thấp, bộc lộ nhiều hạn chế với con số cụ thể chỉ vào khoảng 61,5 tỷ đồng trong thời gian 10 năm, tính từ 2003 đến 2013 và chỉ chiếm 7% so với nguồn vé tham quan, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho hay, mục tiêu của Trung tâm trong thời gian tới là đảm bảo sự phục vụ vượt chất lượng mong đợi của du khách. Theo đó, bên cạnh các dịch vụ đang được triển khai và nâng cấp, TTBTDTCĐ Huế sẽ tổ chức một số hoạt động về đêm như biểu diễn Nhã nhạc, tái hiện một số nghi thức cung đình tại trường lang Tử Cấm thành, tổ chức biểu diễn nghệ thuật kết hợp trình diễn trang phục cung đình và áo dài Huế trong không gian Đại Nội. Cùng với việc có kế hoạch khai thác các giá trị văn hoá và không gian Cung An Định, để mở rộng năng lực phục vụ và hướng đến việc khai thác dịch vụ có hiệu quả dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của di sản, Trung tâm đang kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa một số dịch vụ ẩm thực, giải khát cao cấp tại khu vực phủ Nội Vụ và những vị trí đẹp, phù hợp trong khu Đại nội...
 
Một ngưỡng đến xa hơn mà TTBTDTCĐ Huế nhắm đến là hoạt động dịch vụ du lịch tại khu vực này sẽ đạt những tiêu chuẩn mang tính toàn cầu; tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên cũng phải đạt tiêu chuẩn mang tầm khu vực và quốc tế. Có lẽ, nói theo cách của TS Phan Thanh Hải, đây cũng là cách, là hành trình mà họ xây dựng để đi tìm và xây dựng cho mình chiếc chìa khoá vàng trong hoạt động dịch vụ.
Môi trường du lịch và những vấn đề nội tại
 

Triển lãm sen và thư pháp tại Cung An Định – Đây cũng là điểm di tích sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2014

 
 
“Đây là một cách làm khoa học. Chúng tôi cũng đã có lúc tự tổ chức một đoàn, không thông báo với TTBTDTCĐ Huế và tự mua vé vào một số điểm di tích để đánh giá và nhận thấy, chất lượng phục vụ đã có nhiều chuyển biến tốt”- ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế nêu ý kiến tại diễn đàn. Vấn đề còn lại, theo ông Thành là môi trường xã hội tại các điểm di tích trước một số vấn đề vẫn được xem là nổi cộm hiện nay như tình trạng ăn xin, đeo bám, tranh giành khách, nói thách... Những tồn tại này đã quá cũ nhưng tại sao không thể giải quyết dứt điểm? Vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở đây cần được xác lập lại như thế nào? Cần phải xác định trách nhiệm của mỗi đơn vị đến đâu trong sự vận hành chung?
 
Chia sẻ về những vấn đề này, đại diện Công ty lữ hành Hương Giang travel cũng cho rằng, TTBTDTCĐ Huế nên nghĩ tới việc tổ chức những đêm ca Huế chất lượng cao để du khách có thêm sự lựa chọn. Nhất là khi không gian và phong cách biểu diễn ca Huế trên sông hiện vẫn chưa được cải thiện, nếu không nói là có lúc, có nơi còn tệ hơn khi không được giám sát. Từ thực tế hoạt động của mình, đại diện của Công ty du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) đưa ra kiến nghị về việc nên đưa thêm, hoặc tổ chức một hình thức nào đó đặc sắc hơn, mới hơn, hoặc chí ít thì chương trình ca Huế trên sông cũng cần gọn cho những đối tượng khách khác nhau, phần vì với 1h30 phút là quá dài là du khách trẻ, phần vì khách quốc tế không hiểu được nội dung của làn điệu. Đa phần là không có phiên dịch/thuyết minh ở phần này.
 
Đại diện của La Residence Hotel & Spa (Khách sạn 5 sao tại 5 Lê Lợi,TP Huế) lại đi từ việc chăm sóc khách hàng của họ khi nói rằng, cứ vài ba tháng, Khách sạn lại có khách bị trợt tay, trợt chân, bị ngã sau khi đi tham quan về do đường lên các điểm tham quan trơn trượt; hoặc giày, tất của khách bị ướt khi thuyền du lịch đáp bờ và trả khách xuống bãi cỏ chứ không vào bến. Nhiều khách của La Residence Hotel & Spa không cảm thấy hài lòng khi sân bay Phú Bài vẫn chưa có hệ thống dẫn đường khi thời tiết xấu nên để vào Huế nghỉ ngơi, tham quan, họ buộc phải xuống sân bay Đà Nẵng rồi mới ngược trở ra.
 
“Với trên 530 cơ sở lưu trú, 335 nhà nghỉ với tổng số phòng lưu trú hiện có là 9600 phòng với gần 17.000 giường có thể nhận thấy, Huế đã có lúc phát triển quá nóng nên việc khai thác cho hết công suất của các cơ sở lưu trú này đã khó rồi “ – đại diện một hãng lữ hành khác cũng đến từ Đà Nẵng nêu vấn đề. Ở đây, điều cần là cần có sự phân tích kỹ về cơ cấu nguồn khách để từ đó xác định các kế hoạch dài hơi và bền vững. Theo anh, điều này Huế đã làm, nhưng chưa rõ, vì thế nên nguồn khách đang bị tác động, nhất là khi nguồn khách từ châu Âu, châu Úc đang khó phục hồi. Chính vì thế, cũng theo ý kiến này thì việc kích cầu du lịch sẽ không thật sự có ý nghĩa nếu chỉ có riêng sự nỗ lực của TTBTDTCĐ Huế mà phải có liên kết rõ hơn, chặt hơn, có những gói dài hơi trong sự phối hợp với hai hiệp hội Du lịch và Khách sạn.
 
Công tác quảng bá, PR cần được đẩy mạnh và tạo được chiều sâu là một khía cạnh khác được đề cập đến ở cuộc trao đổi này. Nhiều ý kiến đồng nhất việc tổ chức các gói kích cầu hiện nay mới chỉ làm lợi cho các hãng lữ hành chứ người lựa chọn gói sản phẩm tour lại không biết gì về các chương trình mà họ được khuyến mại.
 
“Trước đây, anh em trong giới hay nói ra Huế làm việc với các ban ngành khó lắm, nhưng tôi không cảm thấy điều này – anh Lực, đại diện Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng nói – Bất cứ ở đâu, lúc nào, thậm chí ngay cả trong ngày nghỉ nếu có thông tin, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẵn lòng hỗ trợ và đó là điều khiến chúng tôi thấy cảm kích. Nhưng đúng là bên cạnh những điều mà các đồng nghiệp đã đề cập, bên cạnh việc du khách chưa hề phàn nàn về dịch vụ, phòng ốc của các cơ sở lưu trú thì sản phẩm du lịch Huế còn đơn điệu và chưa quan tâm đến việc tổ chức các gói sản phẩm mới. Ngoài ca Huế, khách không biết đi đâu vào buổi tối. Chợ đêm có nhưng sản phẩm quá nghèo nàn. Huế cần có thêm các cửa hàng, điểm mua sắm trước khi phát triển có hệ thống ở lĩnh vực này...”.
 
Làm gì và làm thế nào để khách đến Huế nhiều hơn vẫn là điều mấu chốt mà các ý kiến đã trao đổi về hoạt động dịch vụ tại Huế. Biên độ của cuộc trao đổi cũng đã được mở rộng hơn không chỉ trong phạm vi của khu di sản. Điều này cũng cho thấy rằng, Huế vẫn là điểm đến được các hãng lữ hành quan tâm khi chào tour. Tuy nhiên, dù tích cực và cần được ghi nhận, các gói kích cầu cũng mới chỉ là kích cầu nếu sản phẩm du lịch vẫn như cũ, môi trường du lịch không được cải thiện và sự phối hợp, liên kết thiếu chiều sâu và sự đa diện trong hoạt động dịch vụ.
Lê Nguyễn An Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top