Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo Nghị quyết, các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xoá đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch.
Các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm du lịch tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.
Để du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết nêu rõ, ưu tiên đầu tư để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi.
Trong đó, Chính phủ đồng ý về kinh phí triển khai thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch và Chương trình xúc tiến Du lịch Quốc gia trong năm 2015. Cụ thể, căn cứ dự toán ngân sách được giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phê duyệt, phân bổ chi tiết, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động sử dụng nguồn chi từ ngân sách nhà nước theo đúng quy định, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật; Bộ Tài chính cấp kinh phí để tổ chức thực hiện 2 chương trình quốc gia về du lịch nói trên để bảo đảm các hoạt động thành công, hiệu quả.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù, đột phá để thu hút khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng; hoàn thiện cơ chế bảo tồn, khai thác sử dụng hiệu quả các di sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, sớm hình thành một số khu du lịch trọng điểm quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho du lịch Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương liên quan tăng cường hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận khu du lịch, điểm du lịch theo hướng tập trung vào các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia đã được xác định tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính rà soát các quy định của pháp luật như Luật Đầu tư, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư…, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh theo hướng nâng mức ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương rà soát các quy định về giao đất, thuế sử dụng đất để kiến nghị sửa đổi nhằm giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về nhập khẩu các trang thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dụng cần thiết để phát triển du lịch cao cấp mà trong nước chưa sản xuất được như: Tàu cánh ngầm, du thuyền, thủy phi cơ, máy bay hạng nhỏ, khinh khí cầu đạt chuẩn quốc tế, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/6/2015...