ClockThứ Tư, 25/02/2015 15:11

Người Việt còn mê...

TTH - Nhân dịp các con đang du học ở Mỹ về nghỉ đông, vợ chồng bà Đoàn Thị Như Mai (Vũng Tàu) đưa cả nhà đi Huế du lịch. Đã đến Huế nhiều lần, không lạ gì lăng tẩm, danh lam thắng cảnh, bà Mai quyết định cho các con được trải nghiệm cuộc sống làng quê ở Huế.

Tìm hiểu và học làm tranh làng Sình

 

Học làm nghệ nhân

Từ bến Toà Khâm, đoàn xuôi dòng Hương về ngã ba Sình. Sáng sớm, sông Hương yên ả, cảnh vật chìm trong sương khiến khung cảnh càng bảng lãng thi vị. Ngồi trên thuyền rồng, Phạm Đoàn Kim Ngân - cô con gái của bà Mai thích thú, bấm máy ảnh lia lịa...
Cập bến đò làng Sình, chúng tôi vào nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tham quan dòng tranh dân gian nức tiếng tồn tại hơn 300 năm. Mới buổi sáng mà nhà nghệ nhân đã tấp nập khách. Ai cũng hí hửng hòa màu, in cho mình bức tranh mang về làm kỷ niệm.
Rời làng Sình trên những chiếc xe đạp được mang theo thuyền, chúng tôi đạp xe quanh các làng quê của xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Phong cảnh làng quê yên bình với đồng ruộng xanh rì, cánh đồng hoa ngập tràn màu sắc, đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, xa xa là những cánh cò trắng... khiến khách ngẩn ngơ. Đi một đoạn, Ngân lại reo lên: "Đẹp cứ như tranh chị nhỉ, em thấy gì cũng lạ, cũng đẹp”.
Về làng Thanh Tiên, đoàn đến nhà nghệ nhân Thân Văn Huy học làm hoa sen giấy. Những đóa sen giấy ngũ sắc sáng bừng rực rỡ. Nghe ông Huy giới thiệu về nghề làm hoa giấy Thanh Tiên - sản phẩm thủ công độc đáo, gia đình bà Mai háo hức chờ xem nghệ nhân trình diễn các công đoạn. Tỉ mẩn từng chi tiết từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh đến kỹ thuật dập chỉ độc đáo, tạo nếp nhăn cho cánh hoa..., Với sự hướng dẫn của nghệ nhân Thân Văn Huy, gia đình bà Mai thỏa lòng mong ước khi tự tay làm được những bông sen giấy mang về.

Nghệ nhân Thân Văn Huy (đầu tiên bên trái) hướng dẫn làm hoa sen giấy

 
Đạp xe rời Thanh Tiên trên những con đường làng thơ mộng khi bụng đã cồn cào, chúng tôi hướng đến xã Phú Thượng, huyện Phú Vang với bữa ăn trưa tại nhà dân.
Ngậm mà nghe
Với nụ cười thân thiện, các thành viên của gia đình bà Thắm từ lớn chí bé đều ra cửa chào đón, trao cho chúng tôi ly nước ấm. Ly nước sả với vị nồng của sả, thơm lừng của lá dứa và ngọt thanh của đường phèn như xua tan giá lạnh dọc đường.
Ngôi nhà bình dân 3 gian 2 chái của bà Thắm là hình ảnh của một gia đình tam đại đồng đường. Điều đặc biệt là, nhà bà Thắm có tủ kính trưng bày nồi, niêu, xoong, chảo, kiềng... được lưu giữ từ “xa xửa xa xưa” mà những thế hệ trẻ như Minh, Ngân chưa bao giờ được nhìn thấy. Bà Thắm kể, đây là bộ nồi gang của ông bà nội mấy đứa nhỏ dùng để nấu cơm từ thời... ăn cơm độn sắn, bà giữ lại để kỷ niệm.
Câu chuyện về văn hóa gia đình của người Huế tiếp tục rôm rả khi khách cùng chủ nhà vào bếp chuẩn bị bữa ăn trưa. Đây là dịp học cách chế biến món ăn Huế nên Ngân hào hứng lắm. Em thích thú ram bánh đa nem, xay bột, xào tôm gói bánh lá. Những món ăn dân dã từ cây nhà lá vườn: canh rau mùng tơi nấu với cua đồng, vả trộn, cá lóc kho tộ, rau xào dưới bàn tay chế biến của chủ nhà ngon đến... “ngậm mà nghe”.               

Vào bếp học nấu món Huế

                    
Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch, anh Vĩnh Hoàng (40 Hồ Xuân Hương, TP Huế) hiểu được tâm lý du khách cần gì và quyết tâm hình thành tour này để giới thiệu một sản phẩm mới của Huế: “Tôi xây dựng sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu của khách. Khách Tây đến Việt Nam rất muốn tìm hiểu cuộc sống thực của người dân qua việc khám phá cuộc sống thường nhật, cách ăn, lối ở, những làng nghề truyền thống độc đáo. Làng quê là nơi lưu giữ tâm hồn, truyền thống của người Việt nói chung và người Huế nói riêng, vì thế, tôi muốn để khách trải nghiệm, cảm nhận được cuộc sống của người dân”.
Đang học về nghệ thuật ở Mỹ, chuyến đi cũng giúp Minh và Ngân học hỏi, tích lũy thêm kiến thức về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật làm hoa giấy. Ngân hào hứng: “Đi du lịch nhiều nhưng từ bé đến giờ em chưa bao giờ được đi tour như thế này, rất đặc biệt khi tìm hiểu văn hóa đậm đà của làng quê ở Huế. Nghệ thuật ẩm thực của Huế thật tuyệt. Mộc mạc mà sang trọng từ cách chế biến đến bày biện, thưởng thức. Em đã học được 2 món và sẽ chế biến đãi bạn khi sang Mỹ”.
Anh Hoàng cho biết, tour du lịch này mới khai thác vài tháng nhưng đã đón nhiều đoàn khách Tây. Ý định của anh là sẽ nhân rộng mô hình đón khách đến tham quan nhà dân để nhiều người cùng tham gia làm du lịch. Nghe thế, bà Mai tiếp lời: “Một chuyến trải nghiệm quá tuyệt! Chúng tôi là người Việt mà đã thích mê, huống gì khách Tây”.
Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top