Ở Huế có nhiều bãi biển đẹp là nhận định của không ít du khách. Đây được cho là một trong những đặc sản của du lịch góp phần tạo nên thương hiệu Huế.
|
Biển Cảnh Dương cần quy hoạch chi tiết để trở thành điểm đến lý tưởng cho khách nước ngoài |
Chưa xứng tầm thương hiệu thế giới
Lăng Cô được công nhận là một trong 30 vịnh đẹp thế giới vào năm 2009. Mấy năm trở lại đây, Lăng Cô đã khoác lên mình diện mạo mới với nhà cửa, hàng quán, các khu resort sang trọng, như Thanh Tâm Lăng Cô, Hương Giang Lăng Cô, Nirvana Spa & Resort… Ở đây, du khách rất ấn tượng với hải sản tươi ngon. Nhưng hết thời gian ăn lại xuống biển, hết xuống biển lại nghỉ ngơi, hoặc chọn chỗ ngồi nào đó để quay mặt ra biển hóng gió, ngắm trời và biển xanh. Ngoài ra chẳng thấy có gì để tham gia vui chơi giải trí.
Ông Phạm Đình Toại - Giám đốc Làng Cò Resort, người đã chọn Lăng Cô làm quê hương thứ hai của mình, cho biết, với sức hút từ khi Lăng Cô lọt vào vịnh đẹp thế giới, đơn vị đầu tư gần 100 tỷ đồng mở rộng khu vực nhà nghỉ, nhà hàng, bể bơi, sân tenis, siêu thị mua bán ngọc trai thương hiệu Biển Ngọc và hàng hóa lưu niệm thủ công mỹ nghệ... Nhắc đến các dịch vụ vui chơi giải trí, vị giám đốc gốc Hải Phòng này cười nhẹ: “Nằm trong kế hoạch hướng đến”.
Một điểm chưa xứng tầm vịnh đẹp là ở bãi tắm Đông Dương vừa đưa vào hoạt động đầu năm 2014, do chính quyền quản lý. Bãi tắm chỉ 5-7 chòi quán tạm bợ, nhếch nhác dựng lên để phục vụ khách ăn uống dân dã. Các dịch vụ giải trí biển ở đây chưa có gì, ngoài vài ba chiếc phao bơi, mấy bộ quần áo tắm nên khách đến đây chủ yếu là người dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ quán ăn ở bãi tắm Đông Dương nói: “Tài chính gia đình chưa cho phép, nên chỉ dựng chiếc quán này mưu sinh. Hy vọng năm sau, cố gắng làm hàng quán tử tế hơn”. Nghe công dân sống trong vùng vịnh đẹp thế giới Lăng Cô đang nhạy bén trước cơ chế thị trường chia sẻ, lại thấy chạnh lòng...
|
Biển Lăng Cô chưa có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí để du khách lựa chọn
|
Ông Nguyễn Minh Tuân, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc cho rằng, việc phát triển hạ tầng vui chơi giải trí gắn với du lịch biển ở Lăng Cô chưa được quan tâm nhiều. Phần lớn trong 54 cơ sở nhà hàng, khách sạn, khu resort ra đời ở Lăng Cô đến nay mới đáp ứng nhu cầu du khách dừng chân để nghỉ, ăn và ngủ. Ngay ở khu cảng biển Chân Mây, hàng năm đón hàng chục chuyến tàu du lịch biển với hàng vạn khách quốc tế đến tham quan thắng cảnh Huế nhưng hạ tầng, dịch vụ du lịch ở cảng vẫn chưa được quan tâm, đầu tư xứng tầm. Chính lý do này, dù hàng năm khách đến Lăng Cô khá đông, nhưng khách lưu trú qua đêm, dài ngày không nhiều. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Lăng Cô thu hút 185.000 lượt khách, tăng 25.000 lượt so với cùng kỳ năm 2013 (số này chưa kể 60.000 lượt khách vào dịp diễn ra lễ hội Lăng Cô); trong đó, khách lưu trú chiếm chưa đến 20%.
Theo ông Nguyễn Minh Tuân, hiện Lăng Cô phải “chào thua” trước Hạ Long và Nha Trang về thu hút lượng khách du lịch hàng năm. Lý do bởi những vịnh này đã có chiến lược thu hút khách bằng việc chú trọng đầu tư hạ tầng phát triển các dịch vụ, vui chơi giải trí xứng tầm
Vẫn hình ảnh buồn
Theo đoàn công tác của tỉnh về làm việc ở huyện Phú Lộc, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải- Nguyễn Ngọc Dũng giới thiệu: “Vinh Hải vừa đưa biển vào khai thác từ đầu năm 2014, tạo tín hiệu vui trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Vinh Hải có bãi biển dài chừng 4 cây số. Trái ngược với không gian đẹp của biển là hạ tầng, dịch vụ đầu tư tự phát. Đếm kỹ, biển Vinh Hải chỉ có 5 hàng quán lụp xụp, vắng khách dù hôm đó vào dịp cuối tuần. “Mới đưa vào hoạt động nên chưa thu hút khách nhiều. Thực sự đây là lĩnh vực tạo thế cho Vinh Hải tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho một số người dân”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ. Tuy nhiên, biển Vinh Hải muốn hoạt động tốt phải có sự đầu tư vĩ mô về hạ tầng, dịch vụ. Làm được điều đó phải cần đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực; chứ chính quyền địa phương đầu tư quản lý, e rằng 5 năm hay 10 năm đến vẫn là hình ảnh lều trại, chỉ hút khách lẻ, khách địa phương.
Cũng một thương hiệu biển lâu nay được khách mọi nơi biết đến là Cảnh Dương, nằm cạnh Lăng Cô. Biển Cảnh Dương kín gió, bãi tắm nông, rất thuận lợi cho tắm biển. Tuy nhiên, bao năm qua, Cảnh Dương vẫn chỉ xếp vào “top” biển đón khách bình dân, bởi hạ tầng, hàng quán chưa được đầu tư tương xứng. Các chủ quán ở đây chủ yếu là dân sở tại, phương thức kinh doanh chỉ là lấy ngắn nuôi dài. Một du khách đến từ Quảng Nam cho rằng: “không nơi đâu có nhiều biển đẹp, sạch như Huế. Nhưng biển Huế còn nhiều điểm hạn chế chưa níu chân du khách bởi hạ tầng ở các bãi biển hạn chế, các dịch vụ vui chơi giải trí hầu như không có.
Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc cho rằng: “Lộc Vĩnh tự hào có biển Cảnh Dương. Tuy nhiên, lâu nay cái vướng là biển Cảnh Dương nằm trong quy hoạch tổng thể gắn kết với khu kinh tế Chân Mây, Lăng Cô và tam giác vàng du lịch quốc gia Bạch Mã, Cảnh Dương, Lăng Cô. Trước mắt chưa có chương trình, dự án đầu tư phát triển du lịch bền vững ở Cảnh Dương nên người dân sở tại đang khai thác theo kiểu ăn xổi, chưa phát huy nội lực đầu tư phát triển du lịch biển theo hướng bền vững...