ClockThứ Tư, 11/12/2013 05:34

Tìm hướng thích hợp phát triển du lịch tâm linh

TTH - Trong một bài viết gần đây, chúng tôi đã nêu vấn đề Huế chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch tâm linh. Nay xin được trở lại câu chuyện này, ngõ hầu bắt mạch một số nguyên nhân và tìm kiếm những hướng đi thích hợp.

Du lịch tâm linh là dòng sản phẩm có tính bền vững bởi nó gắn với đức tin và nhu cầu trở về nguồn cội, tìm hiểu và khám phá thế giới thần bí của con người. Loại hình du lịch tâm linh đã hình thành tự phát từ hàng ngàn năm về trước. Những cuộc hành hương về đất Phật, về thánh địa Hồi giáo, về quê hương của thần thoại Hy Lạp, về đất tổ vua Hùng... chính là du lịch tâm linh.

Tượng đài Quán Thế Âm (Thuỷ Bằng-Hương Thuỷ)-địa chỉ luôn được du khách và dân chúng tìm đến chiêm bái. Ảnh: Hiền An

Việt Nam có thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh. Với lịch sử hơn bốn ngàn năm, Việt Nam có nền văn hoá đa dạng, phong phú, mang bản sắc riêng. Hàng năm ở nước ta có hàng ngàn lễ hội lớn, nhỏ. Đó là đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, của mỗi địa phương. Lễ hội nào cũng nhằm suy tôn, tỏ lòng thành kính với một đối tượng cụ thể trong vũ trụ như: với thiên thần, nhân thần, với một anh hùng, danh nhân văn hóa; với một truyền thuyết, một phong tục tập quán tốt đẹp... Mục đích của lễ hội nhằm gắn kết cộng đồng, giúp con người hướng về cội nguồn lịch sử, văn hóa, hướng thiện, sống nhân hậu, xây dựng xã hội tốt đẹp...

Có những lễ hội lớn mang tầm quốc gia, lan tỏa sự ảnh hưởng khắp cả nước, hoặc cả một vùng miền như: Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Tây), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội điện Hòn Chén (Huế), lễ hội Quán Thế Âm Bồ Tát (Đà Nẵng, Huế), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang)... Đó cũng là những điểm du lịch minh chứng được giá trị văn hóa tâm linh, thu hút khách trong nước và khách quốc tế.
 
Thế nhưng sản phẩm du lịch tâm linh ở Việt Nam thời điểm hiện tại còn đơn điệu, và có cả những yếu tố lạc lỏng, bất ổn, phản cảm như: Gây mất an toàn, trật tự; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; yếu tố mê tín trỗi dậy đẩy lùi nét đẹp văn hóa của lễ hội. Phản cảm nhất là động cơ đi lễ của rất nhiều người như: đến chùa để cầu lộc, cầu may, xin được thăng quan tiến chức... Thậm chí xin không được thì cướp, như thực trạng cướp ấn đền Trần đã diễn ra liên tục trong nhiều năm qua.
 
Đi du lịch mà chen lấn, xả rác, chỉ lo cầu lộc, cướp ấn thì không “linh”, không còn ý nghĩa khám phá, trải nghiệm, tỏ lòng thành kính, sửa mình... mà chỉ bộc lộ bản năng, lối sống vô văn hóa, thiếu ý thức cộng đồng của bản thân.
 
Theo quan sát của chúng tôi, thực trạng này có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vì thời gian lưu trú của du khách ở các điểm du lịch tâm linh rất thấp. Khách đi du lịch tự phát nhiều hơn là khách tự giác, có tổ chức bài bản theo tour. Du khách chủ yếu đến theo mùa lễ hội và chỉ chi phí cho các dịch vụ tế lễ, chiêm bái. Các hãng lữ hành không, hoặc khó, lồng ghép khách du lịch tâm linh vào các tour du lịch văn hóa, sinh thái, hay du lịch nghỉ dưỡng.
 
Huế có lợi thế cạnh tranh trong lồng ghép du lịch tâm linh với du lịch văn hóa - sinh thái. Nếu không lồng ghép tốt trong từng tour thì du lịch tâm linh bị thất thu. Ngoài điện Hòn Chén và đền thờ Huyền Trân công chúa, các điểm du lịch tâm linh khác (chủ yếu là các cơ sở tôn giáo) không thu phí tham quan và không tổ chức các dịch vụ có thu. Lễ tế Nam Giao, tế Xã Tắc đầu tư phục dựng tốn kém khá nhiều tiền của, công sức nhưng chưa thu được phí từ du khách để bổ sung thêm nguồn cho việc trùng tu di tích.
 
Du khách đến dự lễ hội Nam Giao, lễ tế Xã Tắc không chỉ để được tham gia vào việc tế lễ mà còn là cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng, tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử, thời kỳ vùng đất Phú Xuân là kinh đô của các chúa Nguyễn, kinh đô triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Đã đến lúc hai lễ tế này phải thật sự trở thành sản phẩm du lịch tâm linh đặc thù của Huế. Nên có cơ chế, hình thức hợp lý để mọi người dân và du khách tham dự đều được góp lễ, giảm nhẹ chi phí từ ngân sách Nhà nước cho lễ tế như hiện nay.
 
Một số doanh nghiệp du lịch gặp những rào cản khi tổ chức các tour liên quan đến việc tham dự sinh hoạt tôn giáo của du khách. Theo tôi, nếu biết vượt lên trên đời sống tôn giáo để tìm về những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong lòng dân tộc thì rào cản tự nhiên sẽ dỡ bỏ. Bởi vì, tổ chức tốt sản phẩm du lịch tâm linh không chỉ tăng thu cho ngành du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, mà cái đích lớn hơn là phát huy được các giá trị tinh thần, khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong lòng mỗi người dân, mỗi du khách.
Thanh Tùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top