Hơn 100 đại biểu đại diện cho các ngành du lịch, hải quan, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hãng du lịch tàu biển quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành trong nước... đã tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh cùng với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động, nắm giữ các tuyến giao thông quan trọng trên Biển Đông, có vị trí hết sức thuận lợi cho khai thác khách du lịch tàu biển.
Năm 2012, Việt Nam đón trên 285.000 lượt du khách theo tàu biển, với các điểm đến tiêu biểu như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh... Tuy nhiên theo số liệu thống kê từ năm 1999 đến nay, có nhiều thời điểm lượng du khách giảm nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sức hút cho các hãng du lịch tàu biển cũng như du khách tìm đến.
Theo đại diện Cơ quan Du lịch quốc gia Singapore, khuynh hướng du lịch tàu biển tại châu Á và toàn cầu đang gia tăng. Đây là cơ hội cho Việt Nam cũng như các nước có biển ở ASEAN trở thành điểm đến của tàu du lịch biển. Vì vậy, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng cần nhanh chóng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch tàu biển, tiếp tục cải tiến thủ tục hải quan, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá nhiều hơn.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã nêu lên một số khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch tàu biển tại Việt Nam như chưa có cảng du lịch chuyên dụng, hầu hết việc đón khách tàu biển phải sử dụng bến bãi cảng hàng hóa, chất lượng dịch vụ tại cảng chưa cao.
Thêm vào đó, sản phẩm du lịch hiện còn thiếu tính đa dạng, môi trường biển bị ô nhiễm; tình trạng chèo kéo, bán hàng rong vẫn còn phổ biến.