ClockThứ Sáu, 07/04/2023 06:24

Du lịch cộng đồng ở làng cổ Phước Tích: Chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách

TTH - Hơn một thập kỷ được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia”, làng cổ Phước Tích nằm bên dòng Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) trở thành một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng.

Xây dựng cảnh quan đặc trưng cho làng cổ Phước TíchTìm hướng bảo tồn gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch“Hồi sinh” làng cổ Phước Tích

Rất nhiều kỳ vọng được đặt ra, nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn, khiến cho việc phát triển du lịch ở làng quê tuyệt đẹp này đang đối mặt với ít nhiều thách thức.

leftcenterrightdel
Du khách quốc tế tham quan làng cổ Phước Tích 

Còn… "chìm" ở đâu đó

Các chuyên gia văn hóa, du lịch có nhiều năm quan sát làng cổ Phước Tích cho rằng, dưới tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nên hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa mang lại kết quả xứng tầm với giá trị, tiềm năng vốn có. Trong đó, mô hình và doanh thu du lịch chưa đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế nhìn nhận ở làng cổ này, các dự án phần lớn đã và đang tập trung vào bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng. Định hướng này đúng nhất và cũng là khó nhất, khi phải bảo tồn và phát triển, đảm bảo sự cân bằng mục tiêu giữ gìn văn hóa và phát triển kinh tế, sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, để hướng tới sự bền vững.

Phước Tích đã làm rất tốt công tác bảo tồn, trùng tu di sản nhà rường cũng như hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, cảnh quan… Nhờ thế đã tạo tiền đề cho ra đời các tour, tuyến du lịch được nhiều người biết đến. Đến thời điểm hiện tại, Phước Tích đã xây dựng được 9 loại hình dịch vụ du lịch, với 40 người tham gia hoạt động, bao gồm: dịch vụ tham quan nhà rường, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ xe đạp, dịch vụ hướng dẫn, dịch vụ quảng diễn nghề gốm, dịch vụ quảng diễn nghề bánh truyền thống, dịch vụ thả đèn hoa đăng trên sông Ô Lâu và giao lưu văn nghệ, dịch vụ thuyền.

Việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được thực hiện bằng nhiều kênh khác nhau, nhưng có một thực tế vẫn hiện hữu rằng, du lịch ở Phước Tích vẫn phát triển chậm, số lượng khách tăng khá ít theo năm, số khách lưu trú và mức chi tiêu của khách thấp. Có chăng, lượng khách chỉ tăng đột biến tại một số hoạt động, lễ hội “đến hẹn lại lên”.

“Thực trạng này cho thấy đang thiếu một chiến lược tổng thể, chính sách đột phá để xây dựng Phước Tích thành điểm đến có sức hấp dẫn đối với khách du lịch từ thế mạnh của ngôi làng di sản mang tầm quốc gia. Vì thế, dù có thương hiệu, có nhiều loại hình sản phẩm du lịch nhưng Phước Tích vẫn đang chìm lẫn vào đâu đó trong mạng lưới các điểm du lịch cộng đồng”, ông Tuấn thẳng thắn.

Cần “định vị” lại thương hiệu Phước Tích

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, vẫn còn rất nhiều hạn chế trong việc phát triển du lịch ở Phước Tích. Người đứng đầu ngành du lịch dẫn chứng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu du khách, chất lượng một số sản phẩm du lịch còn thấp, trình độ nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, chưa khai thác thế mạnh của làng cổ.

Ngoài ra, các dịch vụ có quy mô nhỏ, hoạt động cầm chừng, chỉ phục vụ khi có yêu cầu, công tác quảng bá hình ảnh du lịch của Phước Tích còn bị động, mang tính thời vụ, chưa có sự kết nối với các địa điểm khác trong khu vực thành tuyến du lịch.

Nguồn kinh phí phục vụ công tác phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích chưa hình thành, doanh thu du lịch chưa đáp ứng tái đầu tư, việc xây dựng hạ tầng du lịch chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước.

“Khách du lịch đến Phước Tích tăng vào những năm có Festival Huế. Những năm không có festival lượng khách giảm sút. Một trong những nguyên nhân chính do sản phẩm, dịch vụ du lịch ở Phước Tích chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách”, ông Phúc phân tích.

Giải pháp gì cho thời gian tới? Theo ông Phúc vẫn tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nguồn xã hội hóa để tiếp nhận và triển khai các dự án bảo tồn, trùng tu di tích và phát triển du lịch ở làng cổ Phước Tích.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, quan tâm việc kết nối các tour du lịch làng cổ Phước Tích đến với các làng nghề truyền thống lân cận như: làng nghề mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch…

Về phía ngành du lịch, ông Phúc cho hay sẽ phối hợp với địa phương đề xuất định hướng phát triển làng cổ Phước Tích trở thành một điểm du lịch trung gian của vùng liên kết du lịch 5 địa phương miền Trung trong tuyến du lịch “Một điểm đến - Năm địa phương” gắn với 3 di sản văn hóa thế giới: Thánh địa Mỹ Sơn - Phong Nha Kẻ Bàng - Cố đô Huế. Ngoài ra, vẫn tiếp tục duy trì các tour du lịch theo hướng văn hóa truyền thống, du lịch giáo dục…

Một số góp ý cũng cho rằng, cần “định vị” lại thương hiệu du lịch làng cổ Phước Tích trong bản đồ du lịch vùng và quốc gia. Trong đó, chú trọng từ hệ giá trị và nguồn tiềm năng đang có, được bảo trợ bởi danh hiệu quốc gia, Phước Tích phải xác định lại và xây dựng cho mình một hệ sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, mang tính cạnh tranh cao, theo nhu cầu du khách.

Thêm một thực tế mà du lịch cộng đồng Phước Tích đang phải đối mặt, đó là vấn đề già hóa dân số. Du lịch cộng đồng thường dựa vào vai trò người dân địa phương, họ vừa chủ thể của gìn giữ và bảo tồn di sản, vừa là lực lượng tham gia và cung cấp các dịch vụ trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, ở Phước Tích người già chiếm đa số trong đội ngũ làm du lịch tại địa phương. Điều này đã dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa yếu nguồn nhân lực tại chỗ cho các hoạt động bảo tồn di sản, cũng như cung ứng các dịch vụ du lịch cộng đồng.

Vấn đề này không riêng gì ở Phước Tích mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp phải. Vì vậy, bên cạnh các chính sách khác, cần có chính sách thu hút lao động trẻ “hồi hương” để giải quyết các vấn đề này. Họ sẽ là lực lượng vừa kế tục vai trò gìn giữ di sản, vừa đảm nhận và thúc đẩy các hoạt động du lịch.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01

TIN MỚI

Return to top