ClockThứ Sáu, 04/10/2024 06:18

Du lịch Huế: Đừng để đi sớm, về muộn - Kỳ 3: Để khẳng định vị thế

TTH - Phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch Huế cũng phải trở lại đúng vị thế vốn có, xứng tầm với tài nguyên, thế mạnh. Muốn làm được điều đó, cần một chiến lược với những giải pháp cụ thể để làm nổi bật vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn đã được tỉnh xác định; xứng đáng là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.

Du lịch Huế: Đừng để đi sớm, về muộn - Kỳ 1: Tiên phong nhưng chưa bứt pháDu lịch Huế: Đừng để đi sớm, về muộn - Kỳ 2: Loay hoay giữa muôn trùng tài nguyên

Khách trải nghiệm City tour trên xe buýt thoáng nóc 

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Điểm đáng ghi nhận của du lịch Huế là với tinh thần cầu thị, mong muốn lắng nghe để phát triển. Hằng năm, Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều chương trình, hội nghị kết nối du lịch, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành cả nước. Qua những trao đổi thẳng thắn từ cộng đồng doanh nghiệp, Huế đã cải thiện nhiều trong khâu xây dựng môi trường du lịch, làm mới sản phẩm, nâng cấp dịch vụ. Song, để phát triển bền vững, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Đối với thế mạnh du lịch văn hóa di sản, theo các doanh nghiệp lữ hành toàn quốc, trong bối cảnh chi phí vận tải rất cao, để xây dựng tour, các điểm tham quan, du lịch tại Huế nên nghiên cứu linh hoạt chính sách về giá vé tham quan phù hợp. Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, giải quyết khâu sản phẩm du lịch là một trong những việc cần quan tâm. Sản phẩm mới không hẳn là sáng tạo hoàn toàn, mà có thể dựa trên tiềm năng, thế mạnh du lịch sẵn có để biết cách khai thác, nâng cấp, làm đến nơi đến chốn. Chẳng hạn như trong Đại Nội Huế, không chỉ phục vụ du khách tham quan mà có thể nghiên cứu, tạo ra các chương trình trải nghiệm sâu hơn để khách tìm hiểu về lịch sử, đời sống vua quan ngày xưa.

Ngành du lịch, địa phương cần chọn lọc những thế mạnh nổi trội của Huế để khai thác, nghiên cứu sâu hơn về từng thị trường khách trọng điểm từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch có tính chuyên biệt. Một thực tế đáng trăn trở là vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm”, khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch na ná nhau. Nếu các doanh nghiệp cởi mở trong cách tiếp cận và khai thác sản phẩm, tìm được hướng đi riêng sẽ tạo được hiệu quả.

 Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2024

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Việt Nam - Hà Nội Đào Trọng Tùng phân tích: “Hiện, giới trẻ đang là những người dẫn dắt lối chơi. Cứ nhìn vào Hải Phòng mới thấy, dịch vụ ăn uống không bằng Huế. Nhưng trên đoàn tàu đi từ Hà Nội đến Hải Phòng thứ Sáu hàng tuần, giới trẻ đi hàng ngàn em, chủ yếu đi ăn và đi chơi. Một vấn đề nữa, tôi cảm nhận nếu cứ định hướng tập trung thu hút khách Âu - Mỹ là sai, mà cần hướng đến khách Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Lý do vì khách châu Âu ở xa Việt Nam, chi phí du lịch đến Huế rất lớn, trong khi họ có thể đến lăng tẩm nhiều nơi khác. Huế nên định hướng quan tâm thị trường gần, làm sản phẩm du lịch cho người trẻ”.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch Huế cần tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn hóa truyền thống Cố đô song song với việc nghiên cứu, làm mới, phát triển các sản phẩm du lịch đã có để phục vụ nhu cầu đã có nhiều thay đổi của du khách sau dịch COVID-19. Điển hình như có thể nghiên cứu xây dựng, tổ chức lễ hội ẩm thực Huế, mang sắc thái đặc trưng, riêng có của Huế; tổ chức lại để chợ Đông Ba trở thành trung tâm mua sắm các đặc sản kết hợp là trung tâm ẩm thực Huế thay vì chỉ là chợ dân sinh như hiện nay…

Để giữ chân khách ở lại lưu trú, các dịch vụ về đêm phải có sức hút. Trên nền tảng các phố đi bộ về đêm, phải tổ chức được các chương trình, hoạt động gắn với bản sắc văn hóa, nét riêng có của Huế. Các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn cũng phải hợp tác chặt chẽ hơn, kích cầu phát triển du lịch. Điều quan trọng là khâu quảng bá cần phải làm tốt hơn. Trong thời buổi hiện nay, phải tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến quảng bá để đáp ứng nhu cầu cao của những người có nhu cầu du lịch. Các lễ hội, chương trình Festival Huế cần quảng bá sớm thì doanh nghiệp mới có thể đưa vào chương trình tour.

 Các doanh nghiệp lữ hành khảo sát các sản phẩm, tour tuyến du lịch tại A Lưới

Kết nối, xúc tiến, kêu gọi đầu tư

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, chiến lược phát triển du lịch Huế phải dựa trên vận hội mới và vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương. Phát triển du lịch không chỉ cho riêng Huế, mà cần kết nối, liên kết các điểm đến miền Trung và cả nước một cách tốt nhất. Năm 2025, Huế được chọn để đăng cai năm du lịch quốc gia, việc kết nối, liên kết được thể hiện rất rõ. Câu chuyện phát triển du lịch liên quan đến quy hoạch chiến lược; kết nối chính quyền các địa phương; kết nối các doanh nghiệp và kết nối các hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ du lịch từ sân bay, bến cảng…

Ông Bình khẳng định, đã đến lúc phải có những rà soát, đánh giá cụ thể. Việc thu hút số lượng khách đông chưa hẳn đã quá tốt, mà cần yếu tố chất lượng. Phải dựa trên cơ sở thực tế của Huế để đầu tư phát triển phù hợp, tận dụng cơ sở vật chất có sẵn, khai thác hết những lợi thế mà Huế có chứ không phát triển ồ ạt, đánh mất hồn cốt văn hóa Huế. Bên cạnh đó, trước xu thế phát triển, chiến lược lâu dài là tìm cách kêu gọi các “ông lớn” để dẫn dắt cuộc chơi, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đầm phá, cần nguồn lực đầu tư lớn.

Hiện chủ trương của tỉnh và ngành du lịch là đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy các lợi thế. Sản phẩm du lịch phải hướng đến câu chuyện nổi bật, đặc trưng riêng của Huế mà không nơi nào có được. Trong đó, Huế đang nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, chữa lành khi mà tỉnh nhà có đầy đủ các thiết chế về khám, chữa bệnh đông - tây y, môi trường yên lành, ẩm thực phong phú đa dạng. Bên cạnh đó, sẽ quan tâm phát triển du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực một cách bài bản; xây dựng các sản phẩm du lịch theo xu thế như du lịch golf, check-in. Vấn đề quan trọng nữa là nâng cao năng lực cho những người làm quản lý, phục vụ, khai thác du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho rằng, hiện nay khách du lịch có xu hướng đến thẳng với nhà cung cấp dịch vụ không qua trung gian. Tuy nhiên, các nhà cung cấp không được rời rạc mà cần tích hợp lại thành chuỗi dịch vụ để đảm bảo chất lượng chung và đồng bộ hoạt động. Bên cạnh đó, phải kết nối giữa các nhà cung cấp trong chuỗi dịch vụ với cơ quan quản lý điểm đến thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn… Đơn cử như cần chung tay để điều tiết luồng khách, nhất là mùa cao điểm và khắc phục mùa thấp điểm. Mặt khác, cần kết nối giữa điểm đến và các thị trường du lịch trong nước và quốc tế thông qua sự tham gia hiệu quả vào các hội chợ du lịch…; kết nối các đơn vị du lịch với đơn vị liên quan khác như hàng không, đường sắt, đường bộ…

Hiện nay, việc kêu gọi đầu tư các dự án đặc biệt quan trọng. Vừa qua, Huế đã có Trung tâm Thương mại lớn nhất miền Trung là Aeon Mall, nhưng vẫn rất cần những mô hình như thế, đặc biệt là các thương hiệu lớn, các tập đoàn du lịch nổi tiếng thế giới về Huế. Muốn vậy, chính quyền địa phương, ngành du lịch phải có những cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch phát triển du lịch. Phải dành quỹ đất để phát triển các khu vui chơi, giải trí, mua sắm bên cạnh sự đầu tư phát triển cho các khu đô thị.

Huế đang đi đúng xu thế của du lịch là liên kết phát triển. Liên kết 5 địa phương 1 điểm đến (Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Bình - Quảng Trị) đã hình thành. Vấn đề là cần phải làm cho liên kết này tạo ra hiệu quả thực chất trong việc thu hút khách. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải chung tay để cùng quảng bá cho liên kết vùng..

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc
Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc hợp tác với các đối tác để tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính chất xanh và bền vững, từ đó nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến với Huế là giải pháp thiết thực mà ngành du lịch Cố đô lựa chọn.

Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường

TIN MỚI

Đơn vị cung cấp Nhật Bản: Khám Phá Xu Hướng Mới uy tín
Return to top