ClockThứ Tư, 16/10/2024 05:47

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

TTH - Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

Ông Pơloong Chướch mỗi ngày lại sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo. Ảnh: Vơ Ních Oang 

Giữ nghề và truyền nghề

Nghề đan lát, một trong những nghề truyền thống của người Cơ Tu, không chỉ giúp ích trong đời sống hàng ngày mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của họ.

Ở tuổi 75, dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng ông Pơloong Chướch vẫn hăng say bầu bạn với những sợi nan, lạt. Dưới đôi tay thoăn thoắt, khéo léo của ông, những sợi nan, sợi tre nứa dần hình thành các sản phẩm như gùi, sọt, giỏ... với kiểu dáng và hoa văn độc đáo. Điều đặc biệt hơn là những sản phẩm của ông không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn thu hút du khách đến với bản Dỗi.

Gần đây, bản Dỗi nổi lên như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Du khách đến để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm cuộc sống yên bình, đồng thời để khám phá văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Những chiếc gùi, giỏ mây, tre do ông Pơloong Chướch làm ra đã trở thành những món quà lưu niệm được du khách yêu thích, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình ông và người dân địa phương.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề đan lát phục vụ du lịch cộng đồng, ông Pơloong Chướch không ngừng sáng tạo để làm ra những sản phẩm đẹp mắt, bền vững và phù hợp với nhu cầu của du khách. Ông cho biết, để tạo ra một sản phẩm chất lượng, quan trọng nhất là khâu chọn và xử lý nguyên liệu. Tre, nứa, mây phải được chọn từ rừng sâu, qua nhiều bước xử lý để đảm bảo độ bền và màu sắc tự nhiên.

Ông Pơloong Chướch không chỉ làm nghề mà còn tận tâm hướng dẫn, khuyến khích thanh niên trong làng tham gia học nghề. Ông chia sẻ: “Trước đây, hầu như ai cũng biết đan lát, nhưng theo thời gian, nhiều người đã rời bỏ nghề. Tôi mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông”.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông và cộng đồng, nghề đan lát truyền thống đã hồi sinh mạnh mẽ. Du khách đến bản Dỗi ngày càng đông hơn, không chỉ để chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công tinh tế mà còn để hiểu hơn về đời sống văn hóa của người Cơ Tu. Các sản phẩm thủ công của ông Chướch trở thành biểu tượng của văn hóa địa phương, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa dân tộc và du khách thập phương.

Bảo tồn những giá trị tốt đẹp

Ông Pơloong Chướch không chỉ được biết đến là một người thợ đan lát tài ba, mà còn là một nghệ nhân có tâm huyết trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa của làng, từ đánh trống chiêng, trình diễn các phong tục tập quán, đến giới thiệu cho du khách về cuộc sống của người Cơ Tu.

Trong các buổi giao lưu văn hóa, ông thường chia sẻ những câu chuyện về văn hóa truyền thống, tập quán của dân tộc mình. Mỗi lần có du khách ghé thăm, ông không ngại ngần trình diễn kỹ thuật đan lát ngay tại chỗ, giới thiệu từ quy trình chọn lựa nguyên liệu đến cách xử lý tre, nứa để tạo ra những sản phẩm bền đẹp. Điều này không chỉ khiến du khách thích thú, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của nghề đan lát.

Bà A Lăng Thị Bé, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thác Ka Zan, nơi ông Pơloong Chướch đang hoạt động, chia sẻ: “Ông Chướch là người giàu kinh nghiệm và rất tâm huyết với văn hóa dân tộc. Ông không chỉ là người bảo tồn nghề truyền thống, mà còn là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa Cơ Tu”.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện nay, huyện đã và đang tổ chức nhiều lớp học truyền dạy cồng chiêng, đan lát, dệt zèng cho người dân. Những lớp học này không chỉ nhằm giữ gìn nghề truyền thống, phát huy những giá trị tốt đẹp do ông cha để lại mà còn giúp người dân tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, thu hút du khách.

Các tổ chức phi chính phủ như Helvetas cũng đã hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại bản Dỗi trong giai đoạn 2022-2025. Các dự án này không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, mà còn tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia vào quá trình phát triển du lịch một cách bền vững. Đặc biệt, huyện Nam Đông đã xây mới thêm 7 homestay để phục vụ du khách từ các nguồn đầu tư, hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng; đồng thời, mua sắm các nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, khèn… để phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng và du lịch. Những nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đồng thời nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Nghề đan lát không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công, mà còn là cầu nối để ông Pơloong Chướch có thể giới thiệu văn hóa Cơ Tu với thế giới. Sự tận tâm và nhiệt huyết của ông đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, không chỉ tại bản Dỗi mà còn trong cộng đồng người Cơ Tu nói chung. Những giá trị mà ông và người dân bản Dỗi đang nỗ lực gìn giữ sẽ tiếp tục lan tỏa và phát triển trong tương lai, đồng hành cùng sự phát triển của du lịch cộng đồng.

DIỆP CHI
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Xứng đáng với truyền thống hào hùng

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân - dân và truyền thống tốt đẹp của BĐBP tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển.

Xứng đáng với truyền thống hào hùng

TIN MỚI

Return to top