|
Khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn là điểm nhấn hấp dẫn du khách quốc tế khi đến với Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Thị trường Trung Quốc đạt 1,7 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Như vậy là, 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và Nhật Bản đứng vị trí thứ 5.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 70% so với năm 2019. Xét theo châu lục, thị trường khách từ châu Đại dương và châu Mỹ có mức phục hồi tốt nhất (99% và 93%); châu Âu (67%) và châu Phi (63%) phục hồi chậm. Châu Á mới đạt 68%.
Tuy vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 30%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường này chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó, thị trường Nga mới đạt 19% so với năm 2019. Một thị trường quan trọng khác của Việt Nam ở châu Á là Nhật Bản mới đạt mức 62%.
So với năm 2019, Nga và Anh không còn nằm trong 10 thị trường hàng đầu Việt Nam, thay vào đó là Campuchia và Ấn Độ với sự tăng trưởng đột phá trong năm qua.
Một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia. Đặc biệt, một số thị trường Đông Nam Á thậm chí đã cao hơn so với thời điểm trước dịch. Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có sự phục hồi ấn tượng. Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu, trong đó Tây Ban Nha phục hồi tốt nhất, sau đó là Đức, Anh và Pháp. Đây cũng là 3 thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam ở châu Âu. Trong số các thị trường Đông Nam Á thì khách Thái Lan đứng đầu, sau đó là Malaysia, Campuchia.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ: Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi vẫn không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, trải nghiệm, tính đa dạng và độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 với 169 chương trình, sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh với sự tham gia của 33 tỉnh, thành phố, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm, khám phá mới.
Trong năm 2023, du lịch được coi là điểm sáng, có sự bứt phá tích cực, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.Toàn ngành đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách đội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678.000 tỷ đồng, vượt 4,3%. Đáng chú ý, 6 tháng cuối năm 2023 đều đón trên 1 triệu khách đến Việt Nam/tháng, riêng tháng 12 đạt lượng khách cao nhất với 1,37 triệu lượt.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động trên cả nước, tạo nội lực tăng trưởng, phục hồi cả thị trường nội địa, quốc tế. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới nhằm tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tăng cường liên kết triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch...