ClockThứ Ba, 01/01/2019 11:11

Ngủ trên dòng sông “thơ”

TTH - “Ngủ đò” trên sông Hương từng là nét độc đáo của Huế và trong tương lai không xa nữa, du khách sẽ được sử dụng dịch vụ độc đáo này bằng những chiếc thuyền đầy đủ tiện nghi, thưởng thức những dịch vụ đẳng cấp, mang nét truyền thống của Huế.

Ra mắt “Dòng sông thơ”

Nếu khai thác tốt, dịch vụ ngủ trên sông Hương sẽ được du khách lựa chọn

Khác biệt

Một sáng dạo bước với nhà thơ Võ Quê ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nhìn về những chiếc thuyền rồng đang đưa khách du lịch ngược dòng lên tham quan chùa Thiên Mụ, nhà thơ so sánh sông Hương với nhiều con sông nổi tiếng trên thế giới. Ông cho rằng, sông Hương là tài sản quý giá của Huế, cần tạo thêm sản phẩm để tăng sức hấp dẫn cho du lịch Huế.

Sau lần trò chuyện ấy, tôi nghĩ sông Hương mà có thêm dịch vụ lưu trú trên những chiếc thuyền rồng, hay những chiếc thuyền có mẫu mã cung đình như ngự thuyền Long Quang thì hấp dẫn hơn nhiều. Theo những người làm du lịch thâm niên ở Huế, “ngủ thuyền hay ngủ đò” đã từng xuất hiện ở Huế, tuy nhiên dịch vụ ngủ trên sông Hương chưa thể trở thành một sản phẩm du lịch có tính chuyên biệt, song vẫn luôn có những du khách yêu thích sự độc đáo, lãng mạn đã thuê những chiếc thuyền rồng, ngược lên điện Hòn Chén rồi để thuyền trôi bồng bềnh theo dòng nước về lại TP. Huế.

Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, cách đây khoảng 10 năm, một người bạn khi đến Huế yêu cầu được xuống sông Hương nghe ca Huế và tận hưởng một đêm “sương gió” trên dòng sông thơ. Sau một đêm lênh đênh trên mặt nước, người bạn này lại muốn tiếp tục thêm một đêm nữa làm bạn với dòng Hương Giang, bởi người bạn quá thích cái cảm giác vào buổi sáng thức giấc, khi màn sương bao phủ mặt sông, trời hơi se lạnh của tiết đầu xuân, cảm xúc tươi mới, còn người tràn đầy sức sống.

Theo ông Vũ Văn Chương, Công ty TNHH DL Tự hào Việt Nam, lưu trú trên sông Hương kết hợp với nghe ca Huế, hay tổ chức những chương trình hát nhạc Trịnh, hát những bản tình ca về Huế sẽ là sản phẩm vô cùng thú vị. Hiện nay, nhiều dòng sông trên cả nước, hay nước ngoài luôn có những dịch vụ ngủ trên sông và rất thành công. Với sông Hương và du lịch Huế, lưu trú trên sông hoàn toàn là sản phẩm hấp dẫn. Với đặc tính của sông Hương, trong khung cảnh như Huế, cần có những mẫu thuyền mang hơi hướng cung đình, cổ kính để phù hợp với không gian và tạo sự khác biệt.

Phòng Quản lý lưu trú, Sở Du lịch thông tin, cách đây khoảng 5 năm, đã có một doanh nghiệp đăng ký khai thác loại hình lưu trú trên sông Hương đoạn qua phường Thủy Biểu. Sau khi thẩm định, những chiếc thuyền này đủ điều kiện để đón khách. Tiếc là sau một thời gian, vì lý do khách quan mà dịch vụ này không còn hoạt động nữa, dù cho du khách mong muốn sử dụng rất nhiều.

Chỉ riêng với dòng sông “thơ”

Tôi đã có dịp đến Hạ Long, nơi đây có hàng trăm chiếc thuyền lớn, có dịch vụ lưu trú ngay trên thuyền với tiêu chuẩn 5 sao. Theo những người làm du lịch nơi đây, đến Hạ Long mà chưa sử dụng lưu trú trên thuyền thì chưa thể nói đến Hạ Long. Có chăng, đến Huế mà được ngủ trên sông Hương mới được xem là đến Huế. Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho rằng, với sông Hương cần những gì tinh tế, sang trọng và không nên phát triển quá nhiều sẽ làm mất đi cảnh êm đềm của dòng sông. Cần tập trung vào những dòng khách riêng, không nên phát triển một cách ồ ạt.

Mới đây, Công ty TNHH đầu tư hạ tầng và du lịch Đông Á đưa vào khai thác hai loại thuyền Nam Xuân và Nam Bình với những dịch vụ cao cấp. Định hướng của công ty này sẽ tiếp tục thiết kế những mẫu thuyền mới để khai thác dịch vụ lưu trú. Ông Đầu Khắc Thành, Phó Giám đốc công ty cho biết, riêng với dịch vụ lưu trú, mẫu thuyền và các dịch vụ đòi hỏi phải có “văn hóa”, hợp với Huế, chứ không thể làm một cách hời hợt, hay làm cho có. Với Huế và dòng sông Hương, dịch vụ lưu trú không chỉ để ngủ mà còn để ngắm, thưởng thức và chiêm nghiệm.

Cũng theo ông Thành, để kinh doanh dịch vụ lưu trú trên sông đòi hỏi an toàn của khách cao hơn và cả an ninh. Do đó, công ty sẽ nghiên cứu và chuẩn bị những gì tốt nhất để dịch vụ lưu trú trên sông Hương thật sự khác biệt.

Hình ảnh những chiếc thuyền hiện rõ dần trong sớm bình minh trên mặt sông Hương, du khách ngắm bình minh và có thể ngồi trên boong thuyền tập yoga hay ngồi thiền để tịnh tâm sẽ là trải nghiệm “ăn” khách. Hay chỉ để ngồi trên thuyền ngắm thành phố cổ kính trong sáng ban mai, ngồi trò chuyện và thưởng thức những ly trà nóng ấm sẽ là bức tranh thơ của riêng Huế. Để ngắm nhìn sông Hương như người con gái dịu dàng, đằm thắm mềm mại trong lòng Huế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng so sánh. Dịch vụ lưu trú trên sông Hương sẽ được khai thác trong tương lai không xa nữa. Tôi cũng háo hức để được một đêm lênh đênh trên dòng sông “thơ” và mời du khách cùng trải nghiệm.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Giữ cho những dòng sông luôn sạch

Dòng sông Hương trong xanh, êm đềm trôi qua lòng TP. Huế đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của vùng đất Cố đô. Đằng sau hình ảnh nên thơ ấy là sự cống hiến âm thầm của những người công nhân môi trường ngày ngày vớt rác, để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và sự trong lành cho sông Hương cũng như các dòng sông khác tại Huế.

Giữ cho những dòng sông luôn sạch
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Chuyện “hoa hồng”

Cuối tháng 10 vừa rồi, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Celeberity Millennium của hãng Royal Caribbean với hơn 3.000 du khách và thuyền viên. Đây được biết là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 30 cập cảng Chân Mây tính từ đầu năm 2024. Sau khi cập cảng, một nửa du khách và thuyền viên đã chọn tham quan Huế, nửa còn lại tham quan Đà Nẵng, Hội An.

Chuyện “hoa hồng”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top