|
Đoàn caravan xuyên Việt ghé thăm Huế |
Nắm bắt xu hướng
Trên cung đường “check-in” của những đoàn xe caravan (loại hình đi du lịch bằng phương tiện cá nhân, theo nhóm từ 2 xe trở lên bằng đường bộ, có thể đi qua nhiều khu vực hoặc quốc gia), Thừa Thiên Huế là một trong những điểm dừng chân thú vị. Kể từ sau giai đoạn dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế thường xuyên đón các đoàn du khách caravan. Năm 2022, Huế từng đón đoàn khách caravan rất lớn với 70 xe (4 và 7 chỗ ngồi) và 250 du khách. Đoàn xuất phát từ tỉnh Tuyên Quang đi qua nhiều tỉnh, thành phố và có nhiều trải nghiệm ở Huế. Năm 2023, đoàn caravan gồm 19 xe ô tô với 47 du khách quốc tịch Thái Lan đến Việt Nam cũng chọn Huế làm điểm đến du lịch. Trong quý 1/2024, Thừa Thiên Huế đã đón 6-7 đoàn khách caravan từ Thái Lan và các tỉnh, thành phía bắc cũng như phía nam.
Với nhiều nước trên thế giới, xu hướng du lịch caravan đã có từ lâu, phổ biển ở châu Âu cũng như khu vực Bắc Mỹ. Tại Việt Nam, caravan đang dần thịnh hành hơn, vì ngày càng có nhiều người sở hữu xe riêng, đam mê du lịch và mong muốn trải nghiệm tay lái ở những cung đường mới, đặc biệt là những cung đường đẹp ngang qua Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu năm 2024 đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng trưởng những năm tiếp theo không phải quá xa vời với du lịch Huế, nhưng cần nhiều giải pháp. Trong bối cảnh xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi, việc khai thác và tạo ra các sản phẩm mới, đặc sắc, hấp dẫn, tăng giá trị trải nghiệm là điều ngành du lịch địa phương cần hướng đến và xu hướng du lịch caravan không phải là ngoại lệ.
Trên thực tế, các doanh nghiệp lữ hành của Huế cũng từng khai thác sản phẩm từ xu hướng du lịch caravan. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết, Công ty Huetourist từng tổ chức đoàn caravan bằng xe cá nhân cho đoàn khách ở TP. Huế lên A Lưới. Với hình thức du lịch caravan, du khách có thể chủ động lên kế hoạch cho hành trình, có điều kiện trải nghiệm, tự mình chinh phục những cung đường và trải nghiệm cận cảnh nền văn hóa địa phương đầy bản sắc. Giá trị từ các đoàn caravan mang lại là hiệu ứng truyền thông rất tốt.
Theo nhiều chuyên gia du lịch, sau khi dịch COVID-19 qua đi, nhu cầu du lịch khám phá trải nghiệm của du khách tăng trở lại. Tập tính đi du lịch của nhiều du khách cũng thay đổi khi họ mong muốn chủ động lên kế hoạch cho hành trình, có điều kiện trải nghiệm, tự mình chinh phục những cung đường, ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng hai bên đường, rời xa đô thị để hòa vào thiên nhiên hoặc có thể kết hợp các chương trình thiện nguyện, tìm hiểu văn hóa bản địa và giúp người dân các điểm đến một số công việc mà đoàn có thế mạnh… mà tour đại trà thường không có.
Thừa Thiên Huế có lợi thế cảnh quan, cũng là điểm thuận lợi để tổ chức các đoàn caravan. Điển hình như ở A Lưới, Nam Đông là những cung đường di chuyển đầy thử thách và mang tính khám phá cao, các điểm đến mang đặc trưng văn hóa bản địa, có dịch vụ homestay đa dạng. Bên cạnh đó, có thể khám phá các cung đường ven biển, xuất phát từ trung tâm TP. Huế đến Thuận An, Vinh Thanh, Lộc Bình, Cảnh Dương và kết nối đến đèo Hải Vân. Với các dịch vụ gắn với biển, đây là cung đường cho các nhóm gia đình, nhóm bạn, người thân đi trải nghiệm.
Tìm hướng khai thác hiệu quả
Để tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thời gian qua, du lịch Thừa Thiên Huế có nhiều bước tiến, nhưng nếu so sánh với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sự phát triển của du lịch Huế vẫn chưa thực sự xứng tầm. Bên cạnh việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, việc đa dạng hóa, khai thác các sản phẩm mới mà du khách có nhu cầu là hướng đi cần thiết để thu hút khách, trong đó cần tìm hướng khai thác hiệu quả xu hướng du lịch caravan.
Ngoài việc tổ chức các đoàn caravan khám phá các điểm đến trong tỉnh, với việc liên kết phát triển du lịch đang tốt như hiện nay, có thể mở rộng quy mô và thời gian bằng các chuyến kết nối với Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam hay bằng tuyến đường Hồ Chí Minh, khám phá đặc trưng của các huyện miền núi ở các địa phương; thậm chí có thể phối, kết hợp tổ chức các cung đường khám phá Việt – Lào. Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, bản chất của du lịch caravan là khám phá, trải nghiệm những cung đường mới, xuyên Việt hoặc đi qua nhiều nước. Vì vậy, để tạo được hiệu quả, việc kết nối nhiều địa phương mới có thể mang lại mục tiêu đề ra.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, giá trị lớn nhất là của du lịch caravan là hiệu ứng truyền thông rất tốt. Song, điểm khó là để tổ chức các tour caravan, chi phí rất lớn. Kế hoạch tour thường đi xuyên Việt nhiều ngày, phải có các đơn vị chuyên nghiệp với đội ngũ, phương tiện dụng cụ hỗ trợ, xe dẫn đường… bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chuyên nghiệp trong việc xử lý các tình huống phát sinh. Đối với các địa phương, để tổ chức tour, phải trải qua nhiều khâu từ khảo sát điểm đến để xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá, giới thiệu, tiếp theo là doanh nghiệp chào mời, bán sản phẩm cho khách. Để phát triển caravan cần quá trình dài với hợp lực từ nhiều phía, trong đó có cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Ngành du lịch tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, dựa trên nhu cầu của khách, trong đó có xu hướng du lịch caravan. Sắp tới, Huế cũng sẽ phối hợp tốt với các ban, ngành, địa phương đón các đoàn khách caravan trong nước và quốc tế, tạo ra hiệu ứng truyền thông tích cực và mang lại nhiều giá trị phát triển du lịch.