ClockThứ Tư, 06/12/2023 07:24

Phát triển city tour có bản sắc riêng

TTH - City tour (các tour du lịch tham quan thành phố) đã và đang được nhiều thành phố du lịch trọng điểm trong nước xây dựng thành sản phẩm du lịch chủ đạo. Với nhiều lợi thế riêng, để hấp dẫn du khách, Thừa Thiên Huế cần xây dựng mô hình tour có điểm nhấn và bản sắc riêng.

Bật mí kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng tự túc tiết kiệm - Tour Đà Nẵng CityThêm city tour phục vụ kháchRa mắt dịch vụ city tour bằng xe buýt hai tầng thoáng nóc

 Khách du lịch khám phá Huế bằng tour xe đạp. Ảnh: Ngọc Hòa

Nhu cầu khách ngày càng thay đổi

So với giai đoạn trước, nhu cầu của du khách hiện nay có nhiều thay đổi. Kể từ sau đại dịch COVID-19, nhiều du khách chia sẻ muốn tiết kiệm thời gian di chuyển và chi phí so với việc đi du lịch dài ngày; tránh được thủ tục nhập cảnh, thay đổi múi giờ và các yêu cầu visa... Nhiều người tìm đến city tour hơn với mong muốn khám phá và hiểu rõ hơn về kiến trúc, văn hóa, lịch sử của thành phố; thưởng thức văn hóa ẩm thực…

Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, city tour được các đơn vị lữ hành khai thác, hướng đến chiều sâu của văn hóa Huế, thế mạnh về cảnh quan. Điển hình như “hop on hop off” khám phá Huế bằng xe buýt 2 tầng thoáng nóc; xe đạp công cộng; một số city tour có kết hợp với dịch vụ mới như trà chiều trên sông; tham quan nhà vườn và thưởng thức các món ăn đặc trưng, dân dã do người dân chế biến… góp phần giúp Huế tạo ấn tượng với khách. Bên cạnh đó, các city tour khám phá di sản Huế; tour khám phá Huế bằng xích lô, xe đạp, xe máy, tour di chuyển bằng đường sông… được duy trì khai thác, trở thành những lựa chọn thú vị cho du khách.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Hà Nội - Chi nhánh Huế, khi khai thác hai tour “Tuyến city tour - Hành trình Di sản Cố đô Huế”, với điểm nhấn là đi qua 12 điểm nổi tiếng của TP. Huế, hay “Tuyến ngắm cảnh đêm Huế” di chuyển qua cầu Phú Xuân, cầu Dã Viên ngắm cảnh về đêm, có những góc nhìn mới về thành phố xinh đẹp và cổ kính, khách cảm thấy rất thích.

Trên thực tế, ngành du lịch các địa phương phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh rất lớn trong việc thu hút khách. Trong khi đó, nhu cầu của du khách ngày càng thay đổi và có những mong muốn cao hơn, đặc biệt là tính trải nghiệm, đến những nơi mới, gắn với thiên nhiên nhiều hơn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính lâu dài của một city tour. Minh chứng dễ thấy là dù du lịch Huế luôn có những sản phẩm city tour mới qua từng thời điểm và cũng có khá nhiều city tour được đánh giá là rất hấp dẫn, phát huy được lợi thế của một đô thị di sản, môi trường thân thiện, nhưng không duy trì được lâu dài. Điển hình như tour mặc cổ phục tham quan thành phố bằng xích lô và xe điện; hay “food tour”… được thí điểm, sau đó chỉ khai thác một thời gian ngắn.

Bài học từ một số địa phương trong nước cho thấy, để xây dựng một mô hình tour có điểm nhấn và bản sắc riêng để hấp dẫn du khách lại không hề dễ dàng. Đơn cử như city tour của Nha Trang là một ví dụ, khi từng có nhiều du khách và cả một số hướng dẫn viên thừa nhận là nhạt nhòa, kém hấp dẫn. Hay, đầu năm 2022, bộ sản phẩm city tour “Âm vang xứ Thanh” được ra mắt nhằm tăng thêm giá trị cho du lịch thành phố, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Một số chương trình còn kết hợp city tour với tour khám phá các điểm đến hấp dẫn trong tỉnh. Tuy nhiên, city tour của TP. Thanh Hóa vẫn chưa tạo ra sự đột phá như kỳ vọng. Một số ý kiến đánh giá sản phẩm city tour này “mờ nhạt”, “chưa được xây dựng, khai thác một cách hợp lý”, rất cần sự “bắt tay” giữa các cơ quan chức năng và đơn vị lữ hành trên địa bàn.

 Khách du lịch đi xích lô khám phá Huế

Tạo được điểm nhấn, bản sắc riêng

Không phủ nhận, các city tour đa dạng góp phần không nhỏ trong việc thu hút và giữ chân du khách ở lại. Nhưng rõ ràng, một city tour thành công không chỉ hấp dẫn bởi chính giá trị điểm đến mà còn bởi cách tiếp cận khách hàng, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế và cả chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đây là những vấn đề cần quan tâm lâu dài.

Để có một sản phẩm city tour thành công, hấp dẫn vẫn cần một chặng đường dài. Trên định hướng của chính quyền địa phương và ngành chức năng, các tuyến, điểm tham quan du lịch đưa vào khai thác phục vụ du khách phải bảo đảm tiêu chí có sự quản lý, khai thác du lịch hiệu quả; có giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan đẹp; bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn du khách; có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn cùng nhiều yếu tố khác.

Một điểm từng được Hội Lữ hành tỉnh thẳng thắn phân tích là, dù đã có một số sản phẩm mới, nhưng tính sáng tạo của một số doanh nghiệp trong xây dựng city tour còn hạn chế. Các đơn vị phụ thuộc quá nhiều các điểm di sản, chưa có nhiều tính đột phá, khác biệt nhau để tạo nét riêng cho doanh nghiệp nói riêng và điểm đến nói chung. Nhiều doanh nghiệp khai thác chung lộ trình, dịch vụ… Từ những yếu tố đó dẫn đến một thực trạng là cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp cứ hạ giá thấp để thu hút được khách. Khi giá thấp, chất lượng là dấu hỏi lớn của các city tour. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân tại các điểm đến cũng chưa đạt hiệu quả, dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Rõ ràng, quá trình hoạt động, du khách là những người đánh giá công tâm nhất, các đơn vị lữ hành cần dựa trên đánh giá của khách, của thị trường để có những thay đổi kịp thời, đáp ứng yêu cầu.

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những định hướng sản phẩm mới đón đầu khách quốc tế; khuyến khích các đơn vị lữ hành và điểm đến liên kết, hỗ trợ tốt lẫn nhau; góp phần tăng tính hấp dẫn và đa dạng cho du lịch Huế.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

TIN MỚI

Return to top