ClockThứ Bảy, 15/06/2024 07:19

Thêm một khách sạn 5 sao là thêm điểm cộng cho hạ tầng du lịch Huế

TTH - Hạ tầng du lịch của Huế vừa có thêm một điểm cộng khi Khách sạn La Vela Huế được Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa ký Quyết định công nhận 5 sao.

Huế có thêm khách sạn được công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao

 Huế vừa có thêm một điểm cộng khi Khách sạn La Vela Huế được công nhận 5 sao. Ảnh: BẢO PHƯỚC

Khách sạn La Vela Huế (lô số 17, Đường số 22, Khu Đô thị Đông Nam Thủy An, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) là cơ sở lưu trú thứ 8 tại tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận đạt tiêu chuẩn này.

Các khách sạn khách đạt tiêu chuẩn 5 sao gồm: Hoàng Cung (Imperial) ở địa chỉ số 8 Hùng Vương, khách sạn nghỉ dưỡng Làng Hành Hương (130 Minh Mạng), Azerai La Résidence (5 Lê Lợi), Indochine Palace (105A Hùng Vương), khách sạn nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô (thôn Cù Dù, Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc), Silk Path (2 Lê Lợi), Meliã Vinpearl Huế (50A Hùng Vương).

Đây là một thành quả, ghi dấu sự nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành du lịch trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhằm nâng cấp hạ tầng du lịch vốn đã và đang có dấu hiệu quá tải, chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của một ngành kinh tế mũi nhọn.

Thực tế thì hạ tầng dịch vụ là một trong những vấn đề làm cho du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung mất điểm nghiêm trọng trong mắt du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Bằng chứng là mới đây, theo báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam chỉ đứng thứ 59 trong tổng số 119 điểm đến về chỉ số phát triển du lịch (TTDI), tụt 7 bậc so với năm 2022. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96/7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1/8 vào năm 2022. Trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ xếp trên Philippines (hạng 69), Campuchia (hạng 86) và Lào (hạng 91).

TTDI là bản nâng cấp của chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch của WEF công bố hai năm một lần, dựa trên bối cảnh mới sau đại dịch COVID-19.

Bộ chỉ số được xếp hạng dựa trên 5 nhóm chính, với 17 lĩnh vực để chấm điểm.

Bảng xếp hạng công bố năm 2024 được WEF thực hiện với 119 quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2023.

Trong bảng xếp hạng này, điểm thấp nhất của ngành du lịch Việt Nam năm 2023 là hạ tầng dịch vụ (2,2 điểm, hạng 80) và tác động kinh tế - xã hội của ngành du lịch (2,95 điểm, hạng 115).

Trong khi các chỉ số còn lại đều được giá rất cao như: Giá cả cạnh tranh (5,68/7 điểm, xếp hạng 16), an ninh an toàn (đạt 6,19 điểm, xếp hạng 23).

Chỉ số thuộc nhóm chỉ số tài nguyên du lịch và lữ hành của Việt Nam được đánh giá cao, với các chỉ số về tài nguyên thiên nhiên (hạng 26), tài nguyên văn hóa (hạng 28), tài nguyên khác ngoài giải trí - nghỉ dưỡng (hạng 38)...

Hạ tầng dịch vụ của du lịch, bao gồm dịch vụ hàng không, mặt đất, cảng và các dịch vụ du lịch như khách sạn hay thuê xe… là những thành tố đóng vai trò rất quan trọng trong khả năng cạnh tranh của ngành du lịch lữ hành của một địa phương hay đất nước.

Việc hạ tầng dịch vụ du lịch của chúng ta trong năm 2023 chỉ được chấm 2,2 điểm, xếp hạng 80 của thế giới đã phản ánh một thực tế đáng báo động.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đều phát triển với sự xuất hiện của nhiều công trình tầm cỡ để phục vụ du khách trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để xóa đi thực trạng, mỗi khi đến mùa du lịch thì những hình ảnh quen thuộc lại tái diễn: Hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng.

Tiếp đến là số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương đang tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách.

Lấy ví dụ như Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 853 cơ sở lưu trú, với 13.176 phòng và 21.240 giường. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với địa phương lân cận là Đà Nẵng có lượng khách đến hàng năm gần tương đương là khoảng 1.285 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 47.000 phòng.

Một khi hạ tầng dịch vụ không đáp ứng, thì hệ lụy kéo theo là lượng khách sẽ không đón được như kỳ vọng. Và tất nhiên chỉ số tác động kinh tế - xã hội của ngành du lịch, tức là sự tác động, tạo công ăn việc làm, đóng góp của ngành du lịch đối với tổng sản phẩm trong nước và từng địa phương cụ thể cũng sẽ không cao - như trong bảng xếp hạng TTDI mới nhất đã cho thấy.

La Vela Huế là cơ sở lưu trú thứ 8 ở Huế được công nhận 5 sao là một tin vui. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Để du lịch thật sự là “mũi nhọn” thì địa phương vẫn cần có nhiều hơn nữa những chính sách thông thoáng, hấp dẫn để kêu gọi, thu hút nhiều hơn đầu tư vào hạ tầng du lịch!

HOÀNG VĂN MINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tốt gỗ tốt cả nước sơn

Quan niệm các sản phẩm thủ công truyền thống giá rẻ đã trở nên lạc hậu khi hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt tay nâng tầm thương hiệu, mẫu mã các sản phẩm thủ công hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp.

Tốt gỗ tốt cả nước sơn
Điểm cộng cho du lịch

Để đạt được các mục tiêu đó, ngoài những yếu tố cần và đủ như tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng riêng, nhân lực, cơ sở hạ tầng… của ngành du lịch thì rõ ràng hạ tầng giao thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và thêm điểm cộng cho ngành du lịch nếu giao thông kết nối tốt, sân bay, nhà ga, bến xe đạt chuẩn, đường sá được đầu tư khang trang…

Điểm cộng cho du lịch
Điểm cộng

Ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, tôi tủm tỉm cười khi vô tình nghe được câu chuyện của đôi bạn trẻ ở bàn sát cạnh.

Điểm cộng

TIN MỚI

Return to top