ClockThứ Ba, 02/08/2016 07:46

An toàn cho các khu du lịch sông suối

TTH - Thời tiết nắng nóng, các khu du lịch sinh thái sông, suối, hồ thu hút lượng lớn du khách đến vui chơi, ngâm tắm. Tuy nhiên, những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy nguy cơ mất an toàn luôn thường trực tại các điểm du lịch này.

Nguy hiểm rình rập

Nằm ở địa phận xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, suối Voi với các hồ nước trong xanh, mát lạnh, thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Đáy suối rải đầy đá, nhưng tảng nào cũng trơn rất nguy hiểm. Đây cũng là “điểm nóng” về tai nạn thương tích, đuối nước. Mùa hè năm nay, tại Khu du lịch Suối Voi xảy ra 2 vụ tai nạn làm chết người. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc HTX Song Thủy - đơn vị khai thác Khu du lịch Suối Voi cho hay, các vụ tai nạn thường do uống rượu bia, trơn trượt xảy chân, cũng có trường hợp khách có bệnh lý.

Du lịch sông suối ngày càng thu hút du khách

Ông Tâm cho biết thêm, công tác cứu hộ, cứu đuối ở đây đã được tổ chức khá bài bản. Lực lượng cứu hộ cứu đuối, an ninh trật tự gồm có 11 người đều được tập huấn. Ở những nơi nước sâu, trơn trượt đều có biển báo nguy hiểm, căng dây thừng, trang bị phao cứu sinh, sào cứu đuối, các chòi canh luôn có người túc trực, thường xuyên khuyến cáo du khách trước khi tắm phải mặc áo phao, người có uống rượu bia không nên xuống tắm... Ông Tâm lo lắng: “Dù chúng tôi chú tâm hết sức nhưng vẫn xảy ra rủi ro. Từ đầu năm đến nay xảy ra 9 vụ, trong đó có 2 trường hợp không cứu kịp. Có ngày cao điểm lượng khách lên đến 3.000 người, HTX tăng cường lực lượng bảo vệ nhưng không xuể. Những tai nạn thương tâm khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, nhiều khi chỉ muốn khách giảm còn ngày vài trăm để dễ quản lý. Gần đây, lực lượng bảo vệ tăng cường quan sát, thấy khách nào say xỉn là mời lên, kiên quyết không cho tắm để giảm thiểu tai nạn”.

Từ một vùng đất hoang vu, 20 hộ dân ở tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc góp công sức mở đường vào Khu du lịch Suối Mơ. Hơn 2 năm nay, họ đã thành lập tổ tự quản hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền thị trấn Lăng Cô để khai thác dịch vụ ở đây. Khung cảnh hoang sơ, dòng nước mát lành nên điểm đến này ngày càng thu hút du khách, nhất là khách ở Đà Nẵng, cao điểm có ngày đón trên 500 khách. Tuy vậy, công tác tổ chức ở suối Mơ còn thiếu chuyên nghiệp. Hai lần đến đây, chúng tôi đều bắt gặp cảnh rác thải xả bừa bãi dọc đường vào suối. Công tác đảm bảo an toàn còn nhiều bất cập, một phần là do điểm đến này chưa từng xảy ra tai nạn, đuối nước nên những người quản lý và cả du khách có tư tưởng chủ quan. Nhiều người vẫn không mặc áo phao khi tắm, trong đó có cả trẻ em. Nhiều phiến đá trơn trượt nhưng một số thanh thiếu niên vẫn leo lên để nhảy xuống nước.

Thời điểm đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao đến kiểm tra công tác cứu hộ, cứu đuối ở đây vào tháng 6, khu du lịch dài 500m này chưa có bảng nội quy, biển cảnh báo độ nông sâu ít và mang tính tạm bợ. Các bãi đá khá trơn trượt nhưng biển cảnh báo nguy hiểm lại được đặt khuất sau gốc cây. Lực lượng cứu hộ, cứu đuối chưa qua tập huấn, phương tiện cứu hộ đơn sơ, không đảm bảo yêu cầu. Tủ thuốc y tế, cán cứu thương cũng không có.

Siết chặt an toàn

Theo ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao, để giảm thiểu tai nạn ở ao hồ, sông suối, đơn vị khai thác phải tăng cường tuyên truyền cho người tham gia dịch vụ có ý thức giữ an toàn cho chính mình. Với địa hình đá trơn trượt như ở suối Voi, nếu khách uống rượu bia sẽ khó giữ thăng bằng, dễ té ngã, tham gia bơi tắm cũng không an toàn, vì vậy đơn vị khai thác có trách nhiệm tuyên truyền bằng trực quan qua băng rôn, loa phong thanh để khách cảnh giác. Đồng thời, tăng cường nhân lực, trang bị hệ thống cơ sở vật chất, các phương tiện phục vụ cho cứu hộ, cứu nạn. Không chỉ đơn vị tổ chức làm tốt mà bản thân khách cũng phải tuân thủ các quy định an toàn, rèn luyện kỹ năng bơi lội, thể lực để tự bảo vệ mình. Các cơ quan chức năng như ngành văn hóa, thể thao cần thường xuyên tổ chức các lớp cứu hộ, cứu đuối cho nhân viên các điểm đến này.

Tháng 6 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao gồm Thanh tra và Phòng Quản lý thể thao đã tăng cường kiểm tra công tác cứu hộ, cứu đuối, như: lực lượng cứu hộ, phương tiện, cơ sở vật chất, dụng cụ phụ trợ… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những cơ sở thực hiện chưa tốt. Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Chúng tôi đã nhắc nhở các đơn vị, địa phương được kiểm tra nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, rà soát lại tình hình thực hiện công tác cứu hộ, cứu đuối tại đơn vị mình, không được chủ quan”.

Ở Khu du lịch Suối Mơ, đoàn nhắc nhở những người tham gia cứu hộ, cứu đuối phải tham gia các lớp tập huấn, luôn túc trực khi có khách, bổ sung thêm các phương tiện cứu hộ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời, đề nghị UBND thị trấn Lăng Cô tăng cường công tác quản lý về cứu hộ, cứu đuối. Ông Nguyễn Nguyện, Tổ trưởng tổ tự quản Khu du lịch Suối Mơ cho biết, sau khi đoàn kiểm tra nhắc nhở, tổ tự quản đã trang bị thêm bảng nội quy khi vào suối, dây, phao cứu sinh, cảnh báo khu vực sâu, trơn trượt… Với Khu du lịch Suối Voi, đoàn kiểm tra yêu cầu tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu đuối khi số lượng khách đông; khuyến cáo, kiểm tra các hộ kinh doanh có hố tự tạo trang bị các phương tiện cứu hộ, cứu đuối. HTX Song Thủy cũng đang tăng cường thêm lực lượng, cảnh báo nhắc nhở khách hạn chế dùng rượu bia, treo băng rôn cảnh báo nguy hiểm để nâng cao ý thức cho du khách.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro đuối nước và tai nạn, UBND tỉnh ban hành Quy chế Quản lý bãi tắm biển, sông hồ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định các bãi tắm biển, sông hồ phải có đầy đủ dây phao, trang bị cứu hộ, bảng nội quy, có hệ thống biển báo, hệ thống thu gom, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, phương tiện sơ cứu y tế theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của khách du lịch. Đồng thời, nghiêm cấm tắm, tham gia hoạt động thể thao trên vùng nước của bãi tắm biển, sông hồ khi thời tiết xấu, khi uống rượu bia…

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top